Lời khuyên “mất lòng” cho 98% doanh nghiệp Việt: Công ty nhỏ, nhân sự không xuất chúng, tài chính eo hẹp, sản phẩm không mấy tiềm năng thì dù đang thành công cũng nên bán mình!

Số liệu năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm 98,1% số doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp gia tăng quy mô thành doanh nghiệp lớn là điều không hề dễ dàng.

Nội dung bài viết trích từ cuốn sách “Một đời quản trị” của Giáo sư Phan Văn Trường.

Vào cuối những năm 1980, cuộc đời nghề nghiệp của tôi đổi hẳn. Trong một vị trí mới ở cương vị lãnh đạo cao, tôi bắt đầu được làm việc cùng với những người nắm vận mệnh các doanh nghiệp lớn trong tay, thậm chí một phần của nền kinh tế quốc gia, do quy mô to lớn của doanh nghiệp. Từ lúc đó không ngày nào tôi không dành một chút thời gian và ý nghĩ cho việc chiến lược.

Bất cứ một hiện tượng gì xảy ra trên doanh trường sẽ động viên tôi ngay. Công ty nọ sắp giải thể, thế là tôi tự hỏi doanh nghiệp của mình có nên mua một phần hay toàn bộ doanh nghiệp đó không. Công ty kia đang kiếm cách triển khai một số sản phẩm mới, thế là tôi tự hỏi có nên sáp nhập họ với công ty con của mình không?

Có những lúc tôi còn bàn kế hoạch với ban lãnh đạo để mua hẳn một doanh nghiệp lớn hơn chính công ty của chúng tôi, và đã có ngân hàng ủng hộ chúng tôi. Logic nào hướng dẫn những ý nghĩ của tôi cùng các lãnh đạo trong công ty? Chiến lược nào đã dẫn dắt hành động của chúng tôi?

Trong tất cả những hướng đi chiến lược nói trên, tôi muốn gợi ý với các bạn như sau:

– Nếu doanh nghiệp của bạn là một công ty nhỏ hay vừa, với tài chính eo hẹp, nhân sự không có gì xuất chúng, và nhất là tiềm năng sản phẩm của bạn cũng không lớn mấy, thì dù trong hiện tại doanh nghiệp đang thành công chăng nữa, bạn cũng nên nghĩ tới việc sáp nhập với một doanh nghiệp tương đương hoặc lớn hơn.

Tôi hiểu rằng làm như vậy sẽ chạm tới tự ái của người sáng lập, sẽ phạm tới đời sống hàng ngày của khá đông nhân viên, nhưng cuối cùng bạn sẽ tìm ra một thế đứng vững vàng hơn và biết đâu, doanh nghiệp vừa sáp nhập sẽ còn lớn lên nữa với những cuộc sáp nhập sau này.

Lý do tôi khuyên bạn như vậy là vì sau cuộc sáp nhập, bạn sẽ có được một khả năng tài chính hùng mạnh hơn, một vị trí gần hàng đầu hơn, công ty mới sẽ thu hút khách hàng hơn, sẽ dễ dàng mượn tiền hơn, và biết đâu sẽ tìm ra sản phẩm mới, thu được một số nhân sự tốt. Trong một nền kinh tế tư bản, doanh nghiệp khó đứng vững nếu không có một vị thế hàng đầu trong top 3 hay 5).

Lời khuyên mất lòng cho 98% doanh nghiệp Việt: Công ty nhỏ, nhân sự không xuất chúng, tài chính eo hẹp, sản phẩm không mấy tiềm năng thì dù đang thành công cũng nên bán mình! - Ảnh 1.

Nếu doanh nghiệp của bạn đã lên hàng công ty lớn hoặc tập đoàn thì có thể nghĩ tới một số bước đi chiến lược mà công ty vừa và nhỏ khó áp dụng nổi.

Một là khuyến khích sáng tạo, việc này đòi hỏi tập hợp được những đội nghiên cứu với nhân sự chuyên môn cao, và tất nhiên ngân sách dành cho việc sáng tạo cũng sẽ cao. Nhưng thử hỏi, nếu bạn, với tư cách là công ty lớn trên thị trường không làm việc đó thì ai sẽ làm?

Hai là mua lại, hoặc khuyến khích thành lập trong ngay doanh nghiệp những nhóm start-up.Trên thị trường Việt Nam có rất nhiều start-up xuất hiện mỗi ngày, số đông sẽ thiếu vốn để tiếp tục hoạt động, tuy họ đã sáng chế những sản phẩm đột phá. Với số vốn lớn của công ty, bạn sẽ mua lại những start-up này với giá hợp lý, và nhất là bạn sẽ mua luôn được một số nhân sự có óc sáng tạo cao.

Ba là đừng nên ngần ngại bán đi những dòng sản phẩm của công ty không đứng hàng đầu thị trường. Khi bán những khối này, không những bạn sẽ thu hồi vốn về để giúp công ty mình thêm sức mua, mà còn giúp thị trường cấu trúc lại trong khi bạn cắt những dòng sản phẩm nhỏ lẻ. Một doanh nghiệp khác có thể đang cần củng cố và tăng cường khi mua lại dòng sản phẩm lẻ của bạn. Thế là một công đôi việc. Đừng quên rằng khi có người muốn mua dòng sản phẩm của mình thì mình có thể bán với giá cao hơn giá trị thật.

Nếu bạn là một tập đoàn đã lớn và đang có sức tăng trưởng nhanh thì tôi khuyên bạn nên có hẳn một chiến lược hoàn vũ: Đó là dần dần trở thành một tập hợp bách ngành như Samsung hay CP Group. Vào đúng lúc đó doanh nghiệp của bạn sẽ có đủ tầm ảnh hưởng để thay đổi chính sách kinh tế và thương mại có lợi cho tập hợp của mình. Bạn sẽ có kích thước mới giúp bạn có chính sách mua rẻ với những điều kiện mua tốt nhất, cũng như sẽ có đủ quyền lực để kiểm soát kênh phân phối quốc gia, cho phép bạn chi phối giá và tự định nghĩa lấy những sắc thái của thị trường.

Trong một nền kinh tế tư bản thực thụ, bạn phải nới rộng tầm kiểm soát thị trường của doanh nghiệp, bằng không sẽ có một tác nhân khác nhanh chóng nhận lãnh việc đó thay bạn. Chiến lược hoàn vũ còn có một góc cạnh khác. Đó là khả năng làm cho thị trường biến đổi nhanh chóng, từ đó những công ty nhỏ hoặc ít khả năng đổi mới sẽ là con mồi cho doanh nghiệp của bạn.

Ở đây, cái khó để áp dụng chiến lược này không nằm ở khả năng tri thức mà tổ chức, năng lực nhân sự và tài chính. Nhưng nếu làm được việc này thì bạn sẽ bước vào một sân chơi khá riêng biệt của những doanh nghiệp có quyền lực cao, có lẽ còn cao hơn quyền lực hành chính hiện hành.

24 Responses

  1. Pingback: go x honolulu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan