Cô chủ mỳ chũ Nhiên Mộc: Muốn sản phẩm quê hương đến với mọi nhà

Hồ Kiều Oanh sáng lập thương hiệu Mỳ Chũ Nhiên Mộc. Ảnh: NVCC

Chia sẻ của chị Hồ Kiều Oanh khi quyết định nghỉ công việc ổn định để khởi nghiệp với sản phẩm mỳ chũ thương hiệu Nhiên Mộc sẽ truyền cảm hứng cho những ai đang và sắp bước vào hành trình khởi nghiệp với chính sản phẩm của quê hương mình.

Ai đó nói khởi nghiệp là cô đơn, thì điều đó đúng, nhất là ở quê thì lại càng khó khăn hơn. Nhưng trong bản thân mỗi con người ai cũng có tình yêu lớn với quê hương đất nước. Đặc biệt là nơi mình sinh ra. Mong muốn lớn nhất của Oanh là phát triển sản phẩm mỳ chũ quê hương đẹp hơn nữa, tử tế hơn nữa và đi được đến nhiều nơi hơn nữa.

Hồ Kiều Oanh, sáng lập thương hiệu Mỳ Chũ Nhiên Mộc

Mong muốn lựa chọn được các sản phẩm đảm bảo chất lượng cho gia đình, đặc biệt là con nhỏ đang ở tuổi ăn dặm, bà mẹ trẻ Hồ Kiều Oanh đã tìm hiểu khắp nơi và biết đến các cộng đồng nông nghiệp, cộng đồng thực phẩm sạch, tiêu dùng hữu cơ. Tìm hiểu thông tin, Kiều Oanh nhận thấy nhiều các bạn đã khởi nghiệp thành công với chính sản phẩm của quê hương mình.

Tại sao mình không bắt đầu ngay từ chính sản phẩm gắn bó với mình nhất? Hồ Kiều Oanh đã tự đặt ra câu hỏi đó và tự tìm hiểu trong suốt một năm. Cuối cùng, cô lựa chọn sản phẩm đặc trưng nhất của quê hương – huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là mỳ chũ để khởi nghiệp.

Cô chủ mỳ chũ Nhiên Mộc và hành trình khởi nghiệp trên quê hương mình - Ảnh 2.

Hồ Kiều Oanh quyết định nghỉ công việc ổn định để khởi nghiệp với sản phẩm mỳ chũ của quê hương Lục Ngạn. Ảnh NVCC

Tên gọi Nhiên Mộc ra đời cũng rất tự nhiên. Nhiên là tự nhiên, Mộc là mộc mạc. Sản phẩm đầu tiên ra đời như đúng cái tên đó. Sản phẩm nguyên chất chỉ với gạo ngon và nguồn nước giếng khơi trong veo. Không dùng thêm bất cứ chất phụ gia nào.

Chọn con đường ngách để làm nên khác biệt

Thời điểm cuối năm 2017, thương hiệu mỹ chũ đã được cả nước biết đến. Các hợp tác xã trong huyện đã làm rất tốt trong việc giới thiệu sản phẩm đi các nơi. Nhưng để có một thương hiệu với đầy đủ các sản phẩm mỳ hữu cơ, mỳ rau củ, mỳ khác với truyền thống thì chưa có. Và cô gái Lục Ngạn đã chọn đi con đường ngách ấy.

“Mỳ của mình không phải ngon nhất bởi làng nghề của mình rất nhiều nghệ nhân.

Có chăng thì linh hồn của sản phẩm, cái tâm người làm ra sản phẩm mới là điều khác biệt nhất.”

Điều khác biệt trong các sản phẩm của Kiều Oanh là nguyên liệu đầu vào được lựa chọn cẩn thận. Mỳ gạo lứt và mỳ rau củ là dòng gạo hữu cơ canh tác không hóa chất. Bột rau củ cũng là một sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo tiêu chuẩn sạch và sử dụng sấy lạnh để giữ nguyên màu sắc và dinh dưỡng.

Mỗi sản phẩm làm ra đều được cô chủ chăm chút từng bước cho đến khi đóng gói thành phẩm, để đưa đến tay người sử dụng những sản phẩm lành, sạch nhất.



Cô mong muốn làm tốt hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa để đưa sản phẩm truyền thống đi xa hơn

Gập ghềnh hành trình khởi nghiệp

Mọi người nói ra nói vào là viển vông, lông bông, phí công học nhiều rồi đi bán mỳ. Kiều Oanh chỉ im lặng và lựa chọn cách làm dần dần từng chút từng chút. Lựa chọn khởi nghiệp từ sản phẩm thân thuộc, gắn bó với mình từ tấm bé, tưởng đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thật không dễ chút nào. Kiều Oanh nhớ lại.

Thất bại đau thương nhất của Kiều Oanh là khi làm mỳ rau củ. Những mẻ đầu thử nghiệm phải đổ bỏ, phải bán giá rẻ để thu hồi chút tiền vốn. Khi tưởng như đã ổn định sản xuất với sản lượng lớn thì gặp phải vấn đề mỳ mốc quá nhanh, vì lượng rau củ cho vào nhiều lại không có chất bảo quản nên không để được lâu như mỳ trắng. Nhà phân phối, đại lý gửi trả lại, hàng chất đống.

Đến khi sản phẩm hoàn thiện, có bao bì nhãn mác, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng…, điều quan trọng nhất là phải tìm ra đáp án cho bài toán: Làm thế nào để mọi người biết đến thương hiệu của mình?

Chỉ đăng trên những trang mạng là chưa đủ, chạy quảng cáo thì chưa có nhiều kinh phí, người sáng lập thương hiệu mỳ chũ Nhiên Mộc chia sẻ. Cô lại tiếp tục tìm hiểu và lựa chọn hình thức tham gia thật nhiều hội chợ ở Hà Nội và tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Đi hội chợ nhìn vậy chứ vô cùng vất vả. Chuyển hàng đến nơi, trưng bày, đứng bán và giới thiệu miệt mài. Những buổi trưa nắng gắt hay những lúc bão bùng, quên hẳn việc ngồi điều hòa máy lạnh. Thương hiệu mới thì gặp phải cái nhìn ái ngại của mọi người: không biết sản phẩm có ngon không, chưa nghe thấy bao giờ? Những ngày ban đầu đó, Kiều Oanh chỉ xác định tham gia giới thiệu là chính chứ mọi người cũng không có mua nhiều. Tan hội chợ, cô nàng lại lủi thủi đóng hàng tồn mang về tận Bắc Giang.

Rồi, vì là sản phẩm mới nên cứ ký gửi được ở đâu là ký gửi ngay, không đặt ra quy định gì nên đến tận bây giờ có nhiều đơn hàng ký gửi chưa được thanh toán. Sau này, gọi điện đến nơi ký gửi mãi không được, đành bỏ cuộc.

Nhưng giữa những lúc chán nản đó, chỉ cần một tin nhắn của khách hàng: Mỳ ngon lắm em ạ, chị ăn thấy rất yên tâm và chị thích cách đóng gói sản phẩm của em. Và Oanh tự nhủ, trong cái rủi sẽ luôn có cái may, sẽ luôn có những con đường để mình bước đi, khó khăn chỉ giúp mình bản lĩnh hơn.

Trăn trở lớn nhất hiện nay của Kiều Oanh tập trung hoàn thiện sản phẩm mỳ rau củ và một số loại mỳ có vị khác; nâng cao được công nghệ sản xuất để sản phẩm bảo quản được lâu hơn mà vẫn giữ trọn vẹn hương vị như lúc đầu, hướng tới đưa hàng đi xuất khẩu, mang niềm tự hào về mỳ chũ quê hương đến với bạn bè khắp nơi.

545 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan