Người từng ba lần trượt đại học sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản

doanhnhanthoidai/  Fumio Kishida, người gần như chắc chắn sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, là một chính khách kỳ cựu. Qua việc bầu ông làm chủ tịch, đảng LDP đã chọn óc thực tế và sự ổn định.
Ngày 29/9, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida vượt qua 3 ứng viên khác trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản.
Tuy quyết định chính thức còn cần được công bố trong phiên họp Quốc hội đặc biệt vào ngày 4/10, chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản dường như chắc chắn sẽ thuộc về ông Kishida, theo Japan Times.
Tân chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) là một chính trị gia kỳ cựu. Ông đã đảm nhiệm qua vị trí ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng dưới thời của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Trong LDP, ông nguyên là trưởng ban chính sách của đảng này.
Theo những người thân cận, tư tưởng chính trị của tân Chủ tịch Kishida thuộc vào chủ nghĩa thực tế ổn định. Điều này sẽ định hình cách ông quản trị các sự vụ của đảng và của đất nước.

Ông Fumio Kishida vẫy chào sau khi trúng cử vị trí chủ tịch đảng LDP vào ngày 29/9. Ảnh: Kyodo News.

Quyết đấu tranh vì lẽ phải

Sau khi ông Abe từ chức vào năm 2020, ông Kishida cũng tham gia cuộc đua vào vị trí chủ tịch đảng LDP nhưng cuối cùng thua cuộc trước Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Khi ấy, ông Kishida bị chỉ trích là vô vị và thiếu quyết đoán. Tuy nhiên đến nay, ông đã trở nên nhiệt huyết và cứng rắn hơn, một nhà lập pháp ủng hộ Kishida nhận xét.
“Kishida là một người khá ổn định. Sau thất bại năm 2020, quyết định có tiếp tục ra tranh cử hay không là một quyết định rất khó khăn với ông ấy”, Thượng nghị sĩ Yoshimasa Hayashi nhận xét. Ông Hayashi là một trong 46 thành viên nhóm Kochikai do ông Kishida dẫn dắt trong đảng LDP.
“Nhưng lần này, tính cách của ông ấy đã thay đổi đôi chút. Một khi quyết định tranh cử, ông ấy trở thành như một chiến binh, thay vì là người êm đềm thuận theo dòng chảy”.

Thủ tướng Yoshihide Suga từng đánh bại ông Kishida trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP vào năm 2020, sau khi ông Abe từ chức vì nguyên nhân sức khỏe. Ảnh: New York Times.

Tại Hạ viện Nhật Bản, ông Kishida, 64 tuổi, đại diện cho thành phố Hiroshima. Ông là thế hệ thứ ba trong gia đình trước đó có bố và ông là hạ nghị sĩ.
Trước khi được bầu vào Hạ viện vào năm 1993, ông Kishida công tác tại Ngân hàng Tín dụng Dài hạn Nhật Bản (LTCB), sau đó trở thành thư ký cho bố, ông Fumitake, cũng là một hạ nghị sĩ. Chính cái chết của bố vào năm 1992 đã thôi thúc ông Kishida tranh cử Hạ viện.
Trong cuốn sách năm 2020 thể hiện thế giới quan cá nhân, ông Kishida kể lại một số khoảnh khắc quan trọng trong đời góp phần định hình lập trường chính trị của mình.
Hồi nhỏ, ông Kishida có thời gian ngắn từng sống và đi học tại New York, Mỹ. Trải nghiệm bị đối xử phân biệt chủng tộc trong quá trình theo học trường học công ở đây đã khiến ông quyết tâm đấu tranh vì lẽ phải và công bằng, ông nói.

Một sự kiện có mặt của bốn ứng viên trong cuộc bầu cử tân chủ tịch LDP. Ảnh: New York Times.

Nhiều quan chức, chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp trong giới tinh hoa Nhật Bản thường tốt nghiệp từ Đại học Tokyo. Nhưng cả ba lần ông Kishida cố thi vào đây đều kết thúc trong sự thất bại. Cuối cùng, ông chuyển mục tiêu và thi đỗ Đại học Waseda.
Tại Đại học Waseda, ông Kishida hình thành niềm đam mê với bóng chày nhưng không phải với việc học, ông nói. Quá trình công tác tại LTCB, ông nói mình học được cách đàm phán thực tế nhưng vẫn đồng cảm với doanh nghiệp và người lao động. Ông đã mang kiến thức ấy vào chính trường.

Bước chân vào chính trường

Từ năm 2007, ông Kishida là bộ trưởng phụ trách vấn đề Okinawa và lãnh thổ phía bắc trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Abe. Ông sau đó lần lượt giữ một số ghế trong nội các chính quyền kế nhiệm.
Khi ông Abe trở lại làm thủ tướng vào năm 2012, ông Kishida được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Trong thời gian này, ông phụ trách việc Nhật Bản và Hàn Quốc ký thỏa thuận có hiệu lực “chung cuộc và không thể đảo ngược” về vấn đề phụ nữ giải khuây vào năm 2015.
“Phụ nữ giải khuây” là uyển ngữ để chỉ những nạn nhân dưới hệ thống nhà thổ quân đội của Nhật Bản trước và trong Thế chiến II. Vấn đề này từ lâu đã gây ra căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Kishida có công lớn trong tổ chức chuyến thăm Hiroshima vào tháng 5 của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: New York Times.

Năm 2016, ông Kishida gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp cấp ngoại trưởng của nhóm G7 tại Hiroshima. Chính vị ngoại trưởng Nhật Bản đã có công lớn trong việc dàn xếp chuyến đi tới Hiroshima vào tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Obama là vị tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên từng đặt chân tới Hiroshima, nơi bị Mỹ ném bom nguyên tử vào ngày 6/8/1945.
Năm 2017, ông Kishida thôi giữ chức vụ ngoại trưởng kiêm quyền bộ trưởng quốc phòng, từ đó trở thành người nắm giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Từ đó tới khi thắng cử ngày 29/9, ông là chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng LDP.

Bộ mặt mới của đảng LDP

Lúc này, với tư cách là chủ tịch LDP, ông Kishida sẽ là bộ mặt của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào nửa đầu tháng 11.
Trong chiến dịch tranh cử vào chủ tịch LDP, ông Kishida hứa hẹn chính sách kinh tế mới chú trọng hơn vào việc tái phân bổ của cải.
“Có những thứ thật sự không hiệu quả” khi thực hiện chính sách không can thiệp vào thị trường tự do, tân chủ tịch LDP nói hồi tháng 8 trong lúc tuyên bố chính sách kinh tế. “Thành quả từ tăng trưởng cần được phân chia. Nếu không, sự chia rẽ trong xã hội sẽ bị khoét sâu”.

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ là bộ mặt cho đảng LDP trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ảnh: Reuters.

Để ngăn ngừa điều ấy, ông Kishida hứa hẹn tăng cường hỗ trợ tài chính cho người thuê nhà, tung ra trợ cấp giáo dục cho gia đình có trẻ nhỏ, và nâng lương ở các ngành đang thiếu hụt lao động, đặc biệt là ngành chăm sóc y tế, điều dưỡng và trông trẻ.
Trước khủng hoảng Covid-19, ông ủng hộ sửa luật để chính phủ có thể buộc bệnh viện và cơ sở y tế dành ra giường bệnh cho người mắc Covid-19. Ông cũng ủng hộ ban hành hộ chiếu vaccine.
Trong nội bộ đảng, tân chủ tịch đang thúc đẩy các biện pháp cải cách như hạn chế nhiệm kỳ của các quan chức cấp cao trong đảng, ngoại trừ chủ tịch, xuống còn 3 năm liên tiếp. Mục đích là ngăn ngừa một người tích lũy quá nhiều quyền kiểm soát trong đảng.
Về quốc phòng, ông Kishida nhấn mạnh việc Nhật Bản cần có năng lực tấn công vào căn cứ kẻ địch để ngăn ngừa đòn tấn công cận kề.
“Kể cả khi hệ thống phòng vệ tên lửa chặn được cú đánh đầu tiên”, việc sở hữu năng lực tấn công căn cứ kẻ địch có thể bảo vệ người dân nếu đối phương tiếp tục ra đòn, ông Kishida nói, theo Nikkei.

Cựu Ngoại trưởng Kishida gặp mặt người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 8/2016. Ảnh: AP.

Ứng phó Trung Quốc là một ưu tiên

Ứng phó với Trung Quốc sẽ là một ưu tiên chính cho chính quyền của ông, ông Kishida trả lời phỏng vấn Nikkei vào đầu tháng 9. Trong cuộc phỏng vấn này, ông cũng bày tỏ “sự báo động” trước hành vi cứng rắn của Trung Quốc trên phương diện ngoại giao và kinh tế.
“Để bảo vệ những giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng ta cần kiên quyết nói lên những điều cần nói trước sự cứng rắn của Trung Quốc, trong khi cùng hợp tác với các nước cùng chia sẻ những giá trị ấy”, ông Kishida nói hồi tháng 9, theo Reuters.
Theo đó, ông Kishida dự định tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên nước này, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền một số nhóm đảo nhỏ ở biển Hoa Đông.
Ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đồng thời cũng ưu tiên đối thoại với Bắc Kinh, Japan Times đưa tin.
“Vì từng là ngoại trưởng, ông Kishida rất thực tiễn”, ông Hayashi nhận xét. “Trên phương diện quan hệ với Trung Quốc, thực tiễn đối với ông Kishida có nghĩa là sự cân bằng tinh tế giữa thái độ của công chúng và yêu cầu trong chính sách đối ngoại”.
“Ổn định, liền mạch, và thực tiễn là các từ khóa của ông Kishida dành cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản”, ông Hayashi nhận xét.

7 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan