Doanh nghiệp tìm “phao cứu sinh”

Khi ngành du lịch chưa biết khi nào mới có thể đón khách quốc tế, người đứng đầu Vietravel khẳng định doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực khai thác tốt thị trường trong nước.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn, chuyên gia kinh tế đều có cùng nhận định nền kinh tế sẽ cần thêm nhiều thời gian để phục hồi, nhanh nhất là đến giữa năm 2021 tại diễn đàn kinh doanh thường niên do Forbes Việt Nam tổ chức chiều 15/10. Do dó, các doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi quyết liệt để nắm bắt cơ hội trong giai đoạn thách thức hiện tại.

Tồn tại nhờ thị trường trong nước

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết dự báo ngành du lịch vẫn rất khó khăn đến cuối năm 2021, đầu 2022. Khi chưa thể đoán được thời điểm khách du lịch quốc tế trở lại, doanh nghiệp phải “toàn tâm toàn ý” cho thị trường trong nước.

Chủ tịch Vietravel chia sẻ khi công ty chuyển đổi toàn bộ hoạt động để phục vụ tốt nhất khách nội địa, khi ông nhận ra các doanh nghiệp lữ hành chưa đối xử công bằng với khách du lịch trong nước khi sản phẩm cung cấp cho khách hàng chưa có tính kết nối, chưa thật sự đúng yêu cầu.

Do đó, để phát triển thị trường du lịch nội địa bền vững, doanh nghiệp phải thay đổi sản phẩm, tái định vị. Ông Kỳ khẳng định nếu phục vụ đúng nhu cầu của người tiêu dùng Việt, thị trường nội địa có thể giúp doanh nghiệp tồn tại và sống tốt đến năm 2021. Minh chứng là doanh thu tháng 7 của Vietravel cao hơn cả mức trước dịch khi công ty tập trung toàn bộ nguồn lực cho thị trường nội địa.

doanh nghiep du lich anh 1
Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ. Ảnh: Forbes VN.

Người đứng đầu doanh nghiệp lữ hành lớn nhất cả nước cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn với các chính sách cho lĩnh vực du lịch. Theo ông, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp không khói rất dễ bị tổn thương.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng cho rằng năm 2021, ngành dệt may vẫn chịu áp lực, thách thức của dịch Covid-19. Ông dự báo trạng thái bình thường sẽ đến vào 2022.

Dù đang đối mặt khó khăn vì lượng đơn hàng sụt giảm, ông Giang cho rằng lĩnh vực dệt may vẫn có nhiều cơ hội như nhu cầu về khẩu trang ở một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản vẫn còn; nhu cầu mặt hàng thể thao, đồ thun hồi phục nhanh thay thế cho các đơn hàng sơ mi, veston giảm sâu. Doanh nghiệp vì vậy cần có sự thích ứng để chớp lấy cơ hội.

“Ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam đang thay đổi nhanh. Chúng ta có những nhà thiết kế bắt kịp xu hướng thời trang thế giới. Mục tiêu năm 2030 doanh số xuất khẩu là 100 tỷ USD nhưng con số có thể cao hơn”, ông Giang bày tỏ sự lạc quan trong dài hạn.

Đại diện một trong các nhóm ngành cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng hải sản là mặt hàng tiêu dùng nên thực tế các doanh nghiệp vẫn có cơ hội.

doanh nghiep du lich anh 2
Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc. Ảnh: Forbes VN.

Doanh nghiệp của bà Sắc năm nay giảm khoảng 30% doanh số tại châu Âu khi Covid-19 bùng phát mạnh tại khu vực này. Tuy nhiên, với việc hiệp định thương mại EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ tháng 8 giúp giảm thuế quan với nhiều mặt hàng, bà Sắc hy vọng ngành hải sản sẽ lại sớm có kết quả khởi sắc ở châu Âu. Hậu EVFTA, bà cho rằng toàn ngành sẽ có kết quả tốt hơn từ quý II/2021.

Rủi ro trong quá trình hồi phục

Tại diễn đàn, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, đánh giá cao các nỗ lực giữ kinh tế vĩ mô ổn định của Chính phủ trong năm 2020 xáo trộn vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Thành cảnh báo quá trình hồi phục của nền kinh tế trong năm tới sẽ không theo mô hình chữ V. “Rủi ro vẫn tồn tại trong quá trình hồi phục. Đáy sẽ kéo dài trong quý III-IV năm nay và nối sang quý I-II năm tới,” chuyên gia của ĐH Fulbright dự báo.

Về trung hạn, chuyên này cho rằng dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vì nhiều doanh nghiệp quay về nước sở tại thay vì đổ tiền ra nước ngoài. Thêm vào đó, việc các chuyên gia chưa thể tự do di chuyển giữa các quốc gia là một trở ngại cho việc dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) tăng mạnh.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn bất định vào năm 2021, Tổng giám đốc BCG Việt Nam Il Dong-Kwon đưa ra 3 gợi ý để các doanh nghiệp tận dụng thời cơ phát triển gồm đột phá sáng tạo các mô hình kinh doanh để tái định vị, nắm bắt cơ hội mới; thúc đẩy chuyển đổi số; sử dụng các hoạt động thoái vốn, mua bán và sáp nhập có mục tiêu nhằm tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và năng lượng.

One Response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan