Chuyện ở những đùng, vuông tôm bạc tỷ

Xã Phước An (H.Nhơn Trạch) có khoảng 1,1 ngàn ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó có gần 500ha diện tích đã được nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho dân, số còn lại người dân nhận giao khoán từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Với quá trình đô thị hóa như hiện nay, 1ha đất nuôi trồng thủy sản có giá thị trường lên đến vài tỷ đồng.

Một số người dân ở ấp Bà Trường, xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đầu tư bạc tỷ cho những vuông tôm. Ảnh: Đ.PHÚ

Tuy vậy, nông dân xã Phước An vẫn bám vuông, đùng nuôi tôm, cá và các loại hải sản vùng nước lợ. Cuộc sống của họ tuy không quá giàu sang nhưng luôn ổn định, có “đồng ra đồng vô”.

* Bám vuông, đùng nuôi tôm, cá

Mấy chục năm cùng cha bám đùng nuôi tôm, cá nước lợ theo hình thức quản canh (chủ yếu dựa vào thiên nhiên), ông Ba Hải (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An) tích lũy được ít vốn liếng nên mạnh dạn chuyển 3ha đùng thành vuông nuôi tôm theo hình thức công nghiệp (lót bạt, quạt nước, xử lý ao, thả tôm giống…). Nuôi tôm theo hình thức công nghiệp (3 tháng thu hoạch 1 đợt), 3ha vuông tôm cho ông Ba Hải lãi trung bình 900 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An (H.Nhơn Trạch) bày tỏ, đời sống của người nuôi tôm cá đùng, vuông mấy năm nay ngày càng ổn định, cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha đùng và 600-700 triệu đồng/ha vuông. Nhờ vậy, người nuôi tôm ở các ấp Vũng Gấm, Bà Trường tích cực đóng góp với chính quyền trong việc xã hội hóa giao thông nông thôn, từ thiện xã hội với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

“Những vụ tôm suôn sẻ, không bệnh, được giá thị trường thì lãi cao hơn. Tuy vậy, nếu thất bát thì người nuôi lỗ vốn là chuyện thường tình. Cho nên, nuôi tôm theo hình thức công nghiệp dễ giàu sang, phú quý nhưng cũng không ít rủi ro dẫn đến nợ nần, phá sản” – ông Ba Hải bộc bạch.

Mấy chục năm gắn bó với khu rừng ngập mặn ở ấp Bà Trường làm đùng nổi, đùng chìm nuôi tôm, 2 ông Hai Hoàng và Hai Phê ngày càng trở nên thân thiết, vui buồn luôn có nhau. Khi trúng mùa hay thất bát, 2 ông đều chia sẻ cùng nhau.

Ông Hai Hoàng cho biết, ông có tới 5 đùng tôm, tổng diện tích chừng 21ha, trong đó có 3 cái đùng ông thuê lại của người khác và 2 cái đùng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành giao khoán. Cái nghề làm đùng tôm, cá, cua nơi rừng ngập mặn này là nghề cha truyền con nối đối với ông Hai Hoàng. Với ông, nghề nuôi tôm đùng lời ít nhưng rủi ro không cao, khác với dân nuôi vuông tôm.

“Trước năm 2000, khi các khu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch chưa phát triển thì người dân 2 xã Long Thọ và Phước An một nửa sống bằng nghề sông nước, nửa còn lại làm nông và các nghề khác. Sau này, khi các khu công nghiệp phát triển, số ngư dân thưa dần, chỉ còn lớp người trung, cao niên bám nghề” – ông Hai Hoàng tỏ bày.

Ngư dân xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đánh bắt cá, tôm thiên nhiên trên đùng tôm

Theo lời ông Hai Phê, khi dân làm đùng chìm khá lên, có điều kiện thuê máy móc thay sức người đắp bờ cao to để chống lại các con nước lớn gọi là đùng nổi. Còn đùng chìm là bờ bao chỉ nổi lên khi nước ròng, nước lớn thì bờ bao bị ngập, tôm cá dễ thoát ra kênh rạch. Đùng nổi đã kết nối với các tuyến đê bao trở thành đường giao thông, vận chuyển hàng hóa của dân làm đùng.

“Nuôi tôm đùng khác với nuôi tôm vuông về hình thức, lẫn cách thức, thu nhập. Nét khác biệt nữa là đùng chủ yếu được Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành giao khoán, còn vuông thì đa phần được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất nên người nuôi mạnh dạn đầu tư, thế chấp vay vốn” – ông Hai Phê giải thích.

* Nghề lắm rủi ro

Các hộ nuôi tôm xã Phước An và nhiều xã khác trên địa bàn H.Nhơn Trạch vốn hào sảng, rộng rãi, hiếu khách. Những con cá, tôm, cua thuộc loại đặc sản được đánh bắt lên từ đùng, vuông nhanh chóng được chế biến thành những món ngon dân dã thiết đãi khách lạ, khách quen khi đến thăm. Họ trải lòng chân tình về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, lời lỗ cũng như những vất vả, rủi ro với nghề.

Nói về rủi ro với nghề, một số hộ dân nói đùa, mấy năm nay, con tôm “sợ” ống kính nhà báo. Trước đây đã có một số mô hình đùng, vuông tôm thành công được giới thiệu trên những trang báo hoặc chương trình truyền hình nhưng sau đó cũng bị thất bại, phá sản như trường hợp ông Tám T., Mười M., Sáu N… Do đó, nhiều hộ nuôi tôm ở Phước An dè dặt hơn khi có nhà báo tiếp cận quay phim, chụp hình nuôi tôm. Thậm chí có cả cán bộ ấp, xã dẫn tới, họ cũng chỉ chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề chứ hạn chế cho chụp hình nuôi tôm.

Một số hộ nuôi tôm giải thích, con tôm vốn rất nhạy cảm với môi trường sống. Trong khi nguồn nước tự nhiên ở khu vực này cũng ngày càng ô nhiễm vì ảnh hưởng từ nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt… Chính vì vậy tạo cho người nuôi tôm tâm lý e dè vì sợ “nói trước bước không qua”.

Ông Bảy Hiếu (ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An) bộc trực phân trần, người nuôi tôm như ông rất quý người làm báo khi họ đến các đùng, vuông tôm làm phóng sự, đưa tin. Chính họ làm cầu nối để người nuôi tôm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Tuy nhiên, nghề này lúc trúng thì cũng trúng lớn nhưng khi thất bát cũng trắng tay nên nhiều hộ nuôi tôm rất e dè khi tiếp xúc với giới báo chí.

Thời tiết những ngày cuối tháng 8 khá thuận lợi vì mưa nhiều, nguồn nước ra vào các đùng tôm thường xuyên mang theo nhiều tôm cá thiên nhiên nên các hộ có đùng nuôi tôm, cá thiên nhiên rất phấn khởi. Nhiều hộ còn đầu tư làm thêm các bờ bao ven đùng để cá, tôm có chỗ sinh sống, chóng lớn, khỏe mạnh.

Dù không gặp gỡ, tiếp xúc được với nhiều hộ nuôi tôm ở Phước An nhưng chúng tôi cũng không thấy buồn lòng khi nhìn thấy những mẻ lưới đầy trĩu cá, tôm và nhiều loại hải sản khác được người dân kéo lên từ đùng, vuông nuôi tôm, cá và nụ cười chân chất, hiền lành của những ngư dân nơi vùng nước lợ Phước An – nơi cung cấp nhiều sản vật vùng nước lợ nổi tiếng ở Đồng Nai.

6 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan