Chủ tịch VPF: “Phải nâng tầm V.League về mọi mặt”

Xung quanh câu chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) V.League, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú.

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF

* Là người đứng đầu tổ chức điều hành 3 giải đấu chuyên nghiệp, lại là chủ một doanh nghiệp lớn, theo ông vì sao BQTH V.League lại “bèo bọt”, thấp hơn Thai League tới 487,5 lần như vậy?

– Nguồn thu từ BQTH của V.League không đáng kể, chỉ khoảng 2 tỷ đồng/mùa là điều tôi thực sự trăn trở. Vấn đề này do lịch sử để lại, khi tôi tiếp nhận công việc ở VPF thì công ty đã có hợp đồng thương mại dài hạn với đối tác, không thay đổi được.

Về nguyên nhân, đầu tiên là tính thị trường ở Việt Nam chưa có. Tính thị trường là chú trọng việc mua bán, trao đổi nhưng chúng ta lại quen cơ chế xin cho, thích miễn phí. Bởi vậy, rất khó có đài truyền hình hay đối tác nào ở Việt Nam bỏ một khoản tiền lớn để mua BQTH bóng đá nội. Bên cạnh đó, cũng cần thừa nhận rằng, V.League chưa phải là một sản phẩm thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, họ không nhìn thấy được cơ hội kiếm lời ở đây.

Không chỉ BQTH, việc kêu gọi tài trợ cho V.League cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi bóng đá Việt Nam đầy hứng khởi với các thành công ở cấp đội tuyển, V.League vẫn chật vật mới có được nhà tài trợ. Nói chung là giá trị thương mại của V.League ở mức thấp?

Nguyên nhân thứ ba thuộc về chủ quan, tính chuyên nghiệp của V.League chưa cao, hình ảnh giải tuy đã tốt hơn nhưng chưa thật hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

* Vậy phải làm gì để thay đổi?

 Theo tôi, phải gộp BQTH thành một gói trong bản quyền thương mại thì mới có thể tăng thêm giá trị bản quyền thương mại của V.League. Nhưng đầu tiên giải đấu phải thật sự chuyên nghiệp, chuyên một cách toàn diện. Không chỉ VPF cần nỗ lực hơn để công tác tổ chức chuyên nghiệp mà bản thân các CLB cũng phải chú trọng tính chuyên nghiệp, phải quan tâm tới việc xây dựng hình ảnh, kết nối đội bóng với CĐV, người hâm mộ để lôi kéo họ tới sân. Tôi tin rằng, khi các khán đài được lấp kín cũng là lúc V.League sẽ ở vị thế khác trong các cuộc đàm phán kinh tế.

Ngoài ra, V.League cần phải có nhiều ngôi sao, thần tượng có thể tạo ra được những cơn sốt như Quang Hải, Công Phượng hay ngoại binh như Kiatisuk, Lee Nguyễn, Leandro, Huỳnh Kesley trước đây. Nếu mỗi đội bóng đều có những cầu thủ mang tính biểu tượng thì giá trị của V.League sẽ tăng đáng kể.

Về phía VPF, thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cấp đội ngũ nhân sự, huy động thêm nhiều người giỏi từ các lĩnh vực khác ngoài bóng đá để cùng nhau tạo nên một chiến lược toàn diện nâng tầm V.League về mọi mặt, tiến đến hình thành cơ chế thị trường ở bóng đá Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

558 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan