9X khởi nghiệp trồng rau công nghệ cao thành công

Với mong muốn đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, nữ 9X đã khởi nghiệp trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh. Đến nay, chị đã có được là một trang trại rau đa dạng, mang lại nguồn thu nhập cao.

Ngã rẽ của cô cử nhân

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Kinh doanh – Thương mại (Trường Đại học Kinh tế TP Đà Nẵng), Huỳnh Thị Sang (SN 1992, thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) về quê xin việc làm. Nhưng rồi nhận thấy công việc nhàm chán, không có cơ hội phát triển, chị xin nghỉ để theo đuổi con đường hoàn toàn mới.

Nhận thấy trên địa bàn huyện Núi Thành chưa có mô hình trồng rau sạch nào, Sang mày mò tìm hiểu rồi khởi nghiệp với phương pháp trồng rau thủy canh trong nhà kính.

9X khởi nghiệp trồng rau công nghệ cao thành công
 Chị Sang bên vườn rau trồng theo phương pháp thủy canh

Chị Sang chia sẻ, trước quá nhiều thông tin về rau không an toàn, lạm dụng hóa chất tăng trưởng, thuốc kích thích, chị cảm thấy vô cùng lo lắng cho sức khỏe người dùng và tương lai của nhà nông.

Nếu tiếp tục tình trạng này, sản phẩm nông nghiệp như quê nhà của chị sẽ không có tương lai. Rồi từ suy nghĩ ấy, cô gái trẻ quyết tâm theo đuổi hướng đi riêng, rẽ sang công việc hoàn toàn xa lạ so với chuyên môn được đào tạo.

Trong một lần đi thực tế tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chị có dịp tìm hiểu cách người dân ở đây làm nông nghiệp sạch. Với suy nghĩ phải giữ gìn sức khỏe cho người thân trong gia đình, từ sau chuyến đi, chị bắt đầu đặt mua rau từ Đà Lạt về cho gia đình, họ hàng. Dần dà, rồi nhiều người trong xóm, bạn bè cũng nhờ chị đặt hộ. Nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, chị quyết định chuyển trồng rau bằng công nghệ cao.

“Em lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật, công nghệ trồng rau thủy canh. Cùng với đó, em còn đi đến các mô hình trồng rau theo phương pháp này để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chủ vườn”, Sang nhớ lại.

Tháng 6/2018, Sang đã mạnh dạn đầu tư mua trang thiết bị để bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Quyết định này của cô gái trẻ ban đầu vấp phải không ít sự phản đối của gia đình. Nguồn vốn để thực hiện mô hình này cũng tương đối lớn nên người thân của Sang cũng rất ngần ngại nếu có rủi ro gì thì “mất cả chì lẫn chài”.

Phải mất nhiều lần thuyết phục, trình bày hướng đi mới của mình, cuối cùng Sang cũng được gia đình ủng hộ.

9X khởi nghiệp trồng rau công nghệ cao thành công
Rau được trồng bằng phương pháp thủy canh, đưa lại hiệu quả kinh tế cao

Để tiết kiệm chi phí, Sang và chồng tự mua các trang thiết bị cần thiết cho mô hình rồi về nhà tự mày mò, lắp đặt. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế rủi ro, Sang cũng chỉ thực hiện diện tích thử nghiệm khoảng 100m2. Do kinh nghiệm còn thiếu nên lứa rau đầu tiên mà Sang trồng đều bị nhiễm nấm rồi chết hết.

“Lúc đó, diện tích nhỏ nhưng một lứa rau bị thiệt hại như thế cũng hết hơn chục triệu đồng. Lứa đầu tiên không đạt, lứa tiếp theo cũng không như kỳ vọng vì vườn rau tiếp tục bị nhiễm các loại nấm khác. Thấy vậy, em lại tiếp tục tìm hiểu xem mình đã thực hiện sai kỹ thuật gì. Đồng thời, em cũng nhờ các công ty giống và các chủ vườn có kinh nghiệm để hướng dẫn thêm rồi quyết làm lại từ đầu”, chị kể.

Kiên nhẫn cùng với kinh nghiệm rút ra từ những lần thất bại, Sang đã cùng chồng thiết kế lại hệ thống, điều chỉnh quy trình sản xuất. Cuối cùng, những sản phẩm đầu tiên của vườn rau của chị cũng đến được với khách hàng.

Hiệu quả từ mô hình

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện hiệu quả mô hình, Sang cho biết, với mô hình thủy canh, cây rau được trồng trong môi trường cách ly nên ít khi nhiễm sâu bệnh mà chủ yếu là chịu tác hại của các loại nấm. Trong quá trình trồng thì hầu như các loại nấm phổ biến Sang cũng đã gặp phải và khắc phục được. Bên cạnh đó, để cây rau phát triển tốt nhất thì 3 yếu tố quan trọng nhất là nước, dinh dưỡng và giống.

“Với nguồn nước thì phải kiểm tra thường xuyên, đảm bảo độ PH phù hợp. Những giống rau tôi trồng thì khoảng 50% là giống trong nước, 50% giống nhập từ nước ngoài được kiểm nghiệm chất lượng. Còn về dinh dưỡng thì mỗi loại rau có một chế độ khác nhau, trồng loại gì thì pha chế tỷ lệ dung dịch cho phù hợp. Đảm bảo được 3 yếu tố này thì mô hình sẽ thành công”.

9X khởi nghiệp trồng rau công nghệ cao thành công
 Vường rau sạch và xanh mướt của chị Sang

Từ những thành công ban đầu, Sang tiếp tục cải tạo lại 1,7ha đất trồng keo sau nhà để mở rộng mô hình, cũng như kêu gọi các thành viên tham gia thành lập Hợp tác xã (HTX) rau công nghệ cao Dream garden. Với kiến thức đã có được trong tay, HTX của Sang nhanh chóng được hình thành.

Với những kỹ thuật đã nắm vững, hiện tại, chị Sang đã trồng đa dạng các loại rau như: xà lách lolo xanh, xà lách lolo tím, xà lách mỡ, romain, cải bó xôi, cà chua, dưa chuột, cải xoăn, rau gia vị, rau mầm…những loại rau hợp với thủy canh, hữu cơ an toàn. Do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng nên các sản phẩm của chị được khách hàng ưa chuộng.

Sang cho biết, hiện nay mỗi ngày HTX rau sạch của mình xuất bán ra thị trường khoảng 60 – 80kg rau các loại. Với giá bán trên thị trường hiện nay trung bình từ 30.000 – 45.000 đồng/1kg, mỗi tháng Sang thu về trên dưới 70 triệu đồng. Các sản phẩm của Sang không chỉ cung cấp cho người dân địa phương mà nhiều đơn vị ở tỉnh khác như Đà Nẵng, Quảng Ngãi cũng đặt hàng nên số lượng hiện có vẫn không thể cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng.

Để việc kinh doanh bài bản, không chỉ trên địa bàn huyện Núi Thành mà còn mở rộng hơn, chị Sang bắt đầu học cách bán hàng qua facebook và xây dựng một website thương mại điện tử để bán rau. “Kinh doanh online là phương thức tốt giúp tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nếu làm tốt marketing, tìm đầu ra cho sản phẩm và đảm bảo chất lượng của rau thì việc bán hàng sẽ thuận lợi, mang lại lợi nhuận”, chị Sang nói.

9X khởi nghiệp trồng rau công nghệ cao thành công
Cửa hàng rau sạch của chị Sang được nhiều người tìm đến vì an toàn

Chưa dừng lại ở đây, đầu năm 2019, với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất, Sang đã liên kết với nhiều mô hình sản xuất sản phẩm sạch để mở cửa hàng thực phẩm ở thị trấn Núi Thành.  Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, cửa hàng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân địa phương. Điều đặc biệt, cũng trong năm 2019, HTX đã có sản phẩm đạt 3 sao chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Quảng Nam.

“So với doanh thu từ vườn rau thì doanh thu từ cửa hàng cao hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, đây cũng là nơi để giới thiệu, đưa sản phẩm của HTX và các đơn vị sản xuất hàng nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng. Vườn hoạt động ổn định, sản lượng đầu ra được tiêu thụ hết. HTX đang tìm diện tích đủ lớn để tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng sản lượng gắn liền với công tác thương mại, chú trọng đầu tư về chất lượng, mẫu mã và xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm. Hiện tại, cửa hàng và HTX đang giải quyết khoảng 15 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/ tháng”, chị Sang chia sẻ thêm.

4 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan