Nguyên thành viên ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ bài học thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành cường quốc công nghệ cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam

Điểm mạnh cốt lõi của khoa học công nghệ của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ.

Nguyên thành viên ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ bài học thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành cường quốc công nghệ cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam

Ảnh: VnExpress

Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 64 USD. Cho tới những năm 1960s, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vẫn chỉ mức tương đương với các nước nghèo tại châu Phi và châu Á.

Năm 1963, ông Park Chung Hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Với khát vọng biến Hàn Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh, ông bắt tay vào thúc đẩy kinh tế. Hàn Quốc tập trung xây dựng chaebol – các tập đoàn kinh tế lớn, với nhiệm vụ đưa một Hàn Quốc từ quốc gia bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc kinh tế như hiện nay. Đầu thập niên 1990s, Hàn Quốc trở thành một trong 4 “con rồng” kinh tế châu Á.

Con đường phát triển của Hàn Quốc được coi một bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là “Kỳ tích sông Hán”.

Chia sẻ về bài học thành công của Hàn Quốc tại Diễn đàn Quốc gia – Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam lần đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức ngày 9/5, Giáo sư Yongrak Choi – Nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc đã nhắc đến vai trò của sự phát triển doanh nghiệp công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Giáo sư Choi cung cấp những con số quan trọng về nề kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc:

* GDP năm 2017 là 1.530 tỷ USD, gấp 765 lần so với năm 1960. 

* Sự phát triển của nền Khoa học Công nghệ: 

Chi R&D trên GDP năm 1963 là 0,25%, tới năm 2017 là 4,55% – đứng đầu thế giới.

Tỷ lệ nhà nước/tư nhân năm 1963 là 97:3, tới năm 2017 là 23:77. 

Số nhà nghiên cứu tăng từ 1.750 năm 1963 lên 383.110 năm 2017 – đứng thứ 6 thế giới.

Số nghiên cứu công bố quốc tế trên danh mục SCI tăng từ 27 năm 1970 lên 60.592 năm 2017 – đứng thứ 12 thế giới.

Số bằng sáng chế cấp tại Mỹ tăng từ 3 năm 1970 lên 20.719 năm 2017 – đứng thứ 3 tại Mỹ.

Nguyên thành viên ban cố vấn Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ bài học thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành cường quốc công nghệ cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Giáo sư Choi cho biết, điểm mạnh cốt lõi của khoa học công nghệ của Hàn Quốc là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ. Hàn Quốc trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ trên thế giới, sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Thành công này có được nhờ Hàn Quốc có đủ nguồn lực về kỹ sư, nhà nghiên cứu, viện đại học, sau đại học, doanh nghiệp tư nhân.

Hàn Quốc đã tiến hành tái cấu trúc sản xuất mạnh mẽ. Trong thập niên 60s, quốc gia này tập trung vào tài nguyên thiên thiên, hay thập niên 70s tập trung vào công nghiệp nhẹ. Đến nay thành cường quốc công nghệ, bán dẫn, sản phẩm hóa dầu linh kiện xe hơi, màn hình phẳng,

Ông Choi lấy dẫn chứng về sự phát triển của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai… Thời gian đầu, Samsung đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ. Sau 10 năm phát triển, Samsung trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới về các sản phẩm DM. Ông Choi cho rằng việc học hỏi công nghệ từ các quốc gia đi trước chính là bí quyết giúp Samsung phát triển.

Trong khi đó, Hyundai cũng nhập khẩu mạnh mẽ công nghệ của nước ngoài, chịu khó học hỏi công nghệ lõi, hàng đầu từ các nước phương Tây. Sau đó Hyundai phát triển công nghệ cho riêng mình.

Tập đoàn Posco là một trong những tập đoàn đóng vai trò quan trọng cũng nhận được sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Họ tiến hành những khóa đào tạo huấn luyện ở nước ngoài quy mô lớn, tư vấn nước ngoài, xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Trong vòng 15 năm, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép.

Phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông (CTC) cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu, 58% cho tổng chi. Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động, internet băng thông rộng…

Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain, xe tự hành, Big Data… Xác định các chương trình R&D mang tầm quốc gia là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc lĩnh vực riêng cho Hàn Quốc, phát triển nguồn nhân lực mang tính toàn cầu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh, hệ sinh thái thân thiên…

Ông Choi khẳng định, động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân là đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi, nắm bắt công nghệ để làm chủ và theo kịp công nghệ nhập khẩu.

Chiến lược R&D đi theo định hướng thị trường giai đoạn sau được các kỹ sư bản địa là những người đứng đầu các dự án phát triển sản phẩm theo những quy trình mới, các CEO có cam kết dài hạn và quyết tâm chính trị quyết định duy trì đầu tư quy mô lớn liên tục.

Trong quá trình chuyển đổi số các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng gặp một số vấn đề nhất định, nhưng nhờ sự lãnh đạo của các CEO mà họ có thể vượt qua khó khăn này.

Để phát triển mạnh về công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D vào khối sau đại học vào thập niên 60, doanh nghiệp tư nhân vào thập niên 70 và tại các trường đại học vào thập niên 90. Tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi nhanh cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia NIS…

Một loạt công cụ chính sách chính gồm: kết hợp quy hoạch CNTT dài hạn, trung hạn, cung cấp các ưu đãi tài chính, thuế vào đầu tư mạo hiểm, trao quyền tự chủ cho các nghiên cứu công lập, đưa ra lộ trình quốc gia, dự báo khoa học trong 30 năm tới, thu hút và tuyển dụng nhân tài, khảo sát xu hướng công nghệ toàn cầu, phát triển các chương trình R&D quốc gia…

Ông Choi đưa ra khuyến nghị với Việt Nam trong việc thiết lập nền kinh tế thị trường mang bản sắc Việt Nam: Áp dụng công nghệ cao cần tích hợp KHCN hợp lý vào thực tế; Đầu tư triển khai phát triển nguồn nhân lực; Xác định động lực chính là sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, khuyến khích sự chủ động của doanh nghiệp; Chính phủ mạnh kết hợp doanh nghiệp tư nhân mạnh; Theo đuổi phát triển lâu dài thay vì đầu tư lợi nhuận ngắn hạn; Tăng cường bảo lãnh cho các khoản đầu tư mạo hiểm để nhà đầu tư an tâm, đặc biệt các lĩnh vực rủi ro tiềm năng, chính phủ cần các khoản bảo lãnh tốt…

 

3 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan