Nguy mở ra cơ, nắm bắt và sẵn sàng thay đổi

Sống khỏe

Giai đoạn giãn cách, hầu hết các đơn vị kinh doanh thực phẩm truyền thống đều gặp trở ngại trong việc cung cấp hàng, Homefarm đã tận dụng thời cơ mở ra hệ thống. Sau hơn 7 năm gia nhập thị trường, Homefarm chính thức đánh dấu mốc cửa hàng số 150 vào tháng 7/2021. Đồng thời, chính thức nhận khoản đầu tư từ quỹ Redefine Capital Fund trụ sở tại Singapore.

Tương tự, FoodMap, một nền tảng thương mại điện tử Agritech kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng B2C và B2B, đã huy động được vượt mức đăng ký với 3 triệu USD trong vòng tiền Series A.

Đây là một trong số ít startup được cấp phép hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người dân TP.HCM giai đoạn giãn cách xã hội.

FoodMap cũng là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến. Hiện, FoodMap cung cấp sản phẩm của hơn 300 nông dân và nhà sản xuất cho Việt Nam. Khách hàng của công ty bao gồm cả B2C (cung cấp cho khách hàng cá nhân) và B2B (cung cấp cho DN). Tất cả sản phẩm trên FoodMap đều được tích hợp mã QR, cho phép khách hàng tìm hiểu thông tin và nguồn gốc xuất xứ.

Startup tìm cơ hội trong đại dịch
Startup tìm cơ hội trong đại dịch

Hay FoodHub, một startup công nghệ cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho nông sản sạch, cũng thu hút hàng trăm nghìn USD từ nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện FoodHub cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của công ty lớn hơn trước rất nhiều.

Ở mảng giáo dục, EQuest vừa nhận được khoản đầu tư 100 triệu USD từ KKR – một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới. EQuest hình thành qua chuỗi sáp nhập giữa EQuest Academy (thành lập năm 2003) và các công ty giáo dục khác trong nước từ năm 2013 đến nay.

Trước đó, một Edtech khác là ELSA đã ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư với việc gọi vốn thành công vòng Series B với tổng số vốn lên đến 15 triệu USD.

ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới, lọt vào top 5 ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay, sánh ngang cùng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google.

Tương tự, Manabie, một startup nền tảng học tập trực tuyến của Việt Nam cũng nhận khoản đầu tư 3 triệu USD, được dẫn dắt bởi quỹ Do Ventures. Chỉ trong hơn 1 năm hoạt động tại Việt Nam, Manabie đã kêu gọi được tổng số vốn đầu tư lên đến 4,8 triệu USD.

Vượt khó

Không may mắn gặp thời, nhiều startup khác đã phải tìm cách vượt qua khó khăn của đại dịch. Với Beta Cinemas, founder Minh Beta cho hay anh vẫn đang cố gắng tối ưu các chi phí mặt bằng, vận hành và nhân sự. Đồng thời, phát triển các mô hình rạp chiếu mới, hoàn thiện mảng kinh doanh nhượng quyền và tìm cơ hội hợp tác đầu tư với những cụm rạp đơn lẻ hoặc chuỗi rạp để cùng nhau vượt khó.

Bên cạnh đó, Beta Group không ngồi im chịu trận mà tìm cách lấn sân sang hai mảng mới là quản lý bất động sản – A.Plus Home và giáo dục – Crimson Business Institude trong đại dịch.

“Dù tình hình rất khó khăn, nhưng chúng tôi thống nhất với nhau là phải duy trì hoạt động, vì đang cung cấp sản phẩm thiết yếu”, Nguyễn Hoàng, thành viên đồng sáng lập nền tảng kết nối và phân phối dược phẩm Thuốc sỉ, chia sẻ.

Khi TP.HCM thực hiện giãn cách, Thuốc sỉ chỉ còn khoảng 40/500 nhân viên làm việc. Không những thế, kho hàng có nhân viên nhiễm Covid-19 nên phải đóng cửa vài tuần, nhưng startup này quyết không ngừng hoạt động. Họ điều chuyển hàng hóa từ kho ở TP.HCM ra Hà Nội nhằm đảm bảo vận chuyển thuốc đến các cửa hàng.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom

Hay như The Coffee House, trong đợt dịch lần thứ 4, hầu hết các cửa hàng buộc tạm đóng cửa. 2 tháng cao điểm giãn cách hoàn toàn, tương tác đặt hàng trên app và website cũng đóng băng, dẫn đến sự gắn kết với khách hàng giảm đi.

Để tồn tại và vượt qua khó khăn, The Coffee House đã cho ra mắt các sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê lon uống liền được bán tại các cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử.

The Coffee House từng triển khai bán Gói WorkfromHome (bán hàng theo đăng ký), phục vụ cafe theo thói quen: 4 ngày – 7 ngày – 15 ngày – 35 ngày cho khách, hoặc giao mỗi ngày 1 ly sữa đá. Theo kế hoạch, The Coffee House sẽ phát triển đa dạng mô hình TCH Now xe đẩy và Kiosk cuối năm 2021 và đến đầu năm 2022.

Kỳ vọng

Từ đại dịch, các startup đã rút ra những kinh nghiệm quý báu. Phạm Ngọc Anh Tùng, đại diện FoodMap, cho rằng: “Điều khiến FoodMap trở nên khác biệt là sự hiểu biết sâu sắc về khẩu vị của người tiêu dùng và xây dựng các sản phẩm phù hợp cho các dịch vụ nhãn hiệu riêng của họ. Điều này giúp tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao, lòng trung thành với thương hiệu và tính độc quyền là lợi thế cạnh tranh”.

CEO Homefarm Trần Văn Trường cho hay, startup này đã phải có những chiến lược phát triển kinh doanh mới, chuyển đổi số và sự phản ứng nhanh chóng đối với biến động của thị trường – khách hàng. “Chuẩn bị những phương án đối phó với các kịch bản khác nhau, từ đó dần đem Homefarm về vị thế chủ động, giảm các tác động tiêu cực của bệnh dịch”, ông Trường nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, nhận định, tập trung vào các giá trị lõi để tạo ra các giá trị khác biệt mà không chạy theo xu thế của thị trường, và công nghệ chính là chìa khóa tạo ra các giá trị cốt lõi đó cho hầu hết các doanh nghiệp.

Theo ông Thanh, thế mạnh của người Việt là linh hoạt và “đánh du kích”. DN nên chọn thế mạnh và lối đi ngách để tìm hướng đi an toàn, bền vững thì sẽ phù hợp hơn là đốt tiền.

Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi tiềm năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố tháng 6/2021, phân tích triển vọng năm 2021 rằng, dù thị trường đầu tư công nghệ có sự chững lại do tác động của Covid-19, nhưng các nhà sáng lập đã tận dụng mọi nguồn lực để trụ vững và phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021 đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm trước (còn theo thống kê của Do Ventures thì tăng hơn gấp đôi 2020).

Ông Bùi Thành Đô, nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures, cho hay, gần đây, các startup Việt đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra mô hình mua bán đơn thuần thì tập trung phát triển công nghệ có lợi thế dẫn dắt. Điều này sẽ giúp DN phát triển bền vững trong lâu dài, bởi nếu chỉ tăng trưởng nóng thì sẽ rất dễ chạm trần và không thể tăng trưởng nhanh trong những năm sau đó.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định, các startup được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ Covid-19 ở Việt Nam.

48 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan