Đằng sau câu chuyện chồng kiếm tiền ít – vợ kiếm tiền nhiều tưởng chừng rất đỗi bình thường trong xã hội hiện đại là nỗi buồn của không ít ông chồng, định kiến dành cho phụ nữ và một cộng đồng soi mói, đặt nặng yếu tố thứ bậc.
Mới kết hôn được ba năm nhưng vợ chồng Duy Hoàng, hiện đang làm nhân viên cho một công ty truyền thông, cũng đã có bao lần trục trặc. Anh lấy vợ hơn tuổi, lại là “sếp” ở chính công ty đang làm nên việc vợ có mức thu nhập hơn Hoàng là điều không mấy khó hiểu. Trước khi kết hôn, những chênh lệch về thu nhập không phải vấn đề lớn vì hai người cũng chỉ gặp nhau, ăn uống hay thỉnh thoảng đi du lịch. Cuộc sống hôn nhân mới phát sinh ra nhiều thứ, vợ chồng dù đã xác định rõ tinh thần cũng không ít lần hục hặc.
“Nhiều gia đình như có một quy luật “ngầm”: Ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người đó có tiếng nói. Vợ chồng mình không nói với nhau như vậy nhưng nhiều khi, những khoản chi tiêu lớn trong nhà, mình vẫn phải nhường vợ một bậc. Chắc không có gia đình nào mà ông chồng tuy không có tiền nhưng vẫn có vị thế, tiếng nói trong nhà cả. Kiếm ít tiền hơn vợ thì phải chịu thôi“.
Quan điểm của Duy Hoàng hay những câu chuyện tương tự không phải điều hiếm gặp trong xã hội khi quan điểm đàn ông phải là người kiếm tiền, gánh vác gia đình vẫn được mọi người coi trọng. Việc người chồng kiếm ít tiền hơn vợ có thể nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí là những khoảng “vênh” trong mối quan hệ vợ chồng so với thời gian yêu nhau. Nhiều khán giả chắc vẫn không quên câu chuyện trong bộ phim “Con nhà giàu siêu châu Á” khắc họa một nhân vật nữ phụ giàu có lấy một ông chồng thu nhập kém hơn và cái kết là hai người ly dị vì người chồng ngoại tình. Rõ ràng, không chỉ tại Việt Nam, các nước phương Đông cũng vẫn giữ những quan điểm cứng nhắc về chuyện này.
Trên thực tế, câu chuyện những người chồng kiếm ít tiền hơn vợ không còn là điều quá hiếm gặp trong xã hội khi phụ nữ ngày càng có học thức tốt hơn cũng như khẳng định bản thân trong công việc. Thay đổi về vai trò của phụ nữ là dễ thấy, theo sau đó là công việc và thu nhập nhưng thay đổi về quan điểm trong xã hội dường như vẫn không thể theo kịp. Đó là một xu thế bình thường nhưng cách chúng ta nhìn nhận nó vẫn như một điều “bất thường”, trái quy luật của gia đình. Chỉ cần hỏi nhanh khoảng 10 anh chồng Việt Nam chắc phải đến 7, 8 người không thích có thu nhập thấp hơn vợ. Nhiều người cũng đồng tính với câu chuyện của anh Duy Hoàng rằng thu nhập thấp hơn vợ chắc chắn sẽ dẫn tới những cuộc cãi vã hoặc nguy hiểm hơn là rào cản giữa hai vợ chồng.
“Thu nhập của tôi thường cũng ngang ngang vợ nhưng từ khi cô ấy chuyển qua kinh doanh riêng, tiền về hàng tháng cũng đều và nhiều hơn tôi. Vợ chồng tôi hiểu nhau nên cũng không có vấn đề gì nhưng thỉnh thoảng gặp bạn bè, người ta lại nói: “Chồng mà kiếm ít tiền hơn vợ thì thể nào cũng bị lấn lướt” hay “Nó có tiền nhiều hơn thì nó nắm đầu cả cái gia đình này”. Đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ thể nào cũng bị soi mói, rèm pha. Mấy lần tôi cũng suýt cãi nhau với vợ chỉ vì những chuyện như vậy“, anh Sơn Lâm 30 tuổi cũng có suy nghĩ tương tự.
“Kiếm ít tiền hơn vợ” khiến nhiều người trở nên sợ hãi dù đây không phải vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Quay trở lại lịch sử thời phong kiến, khi những ông chồng chỉ chuyên tâm học hành thi cử thì những người vợ phải tần tảo lo toan kiếm tiền nuôi chồng. Tuy nhiên thời đó, người ta đo vị thế trong gia đình bằng kiến thức, “học nhiều biết rộng” còn hiện tại, quy chuẩn ai hơn ai được tính bằng vật chất. Vì vậy, câu chuyện tưởng như bình thường ấy lại trở thành mâu thuẫn gia đình.
Định kiến về phụ nữ kiếm nhiều tiền
Tìm một người vợ kiếm tiền giỏi hơn chồng là điều không khó, cũng tương tự như việc tìm một người đàn ông thấy việc đó là “bất bình thường”. Đằng sau việc chê trách một ông chồng kiếm ít tiền hơn vợ là việc không chấp nhận phụ nữ có thể giỏi và hơn đàn ông. Phụ nữ có thu nhập tốt vẫn bị xã hội coi đó chỉ như một “trường hợp đặc biệt”, còn bản chất của một gia đình là đàn ông phải có thu nhập tốt, kiếm tiền giỏi hơn phụ nữ. Sự coi trọng phụ nữ đôi khi chỉ mang tính hình thức; cánh nam giới vẫn rủ rỉ với nhau rằng “thà lấy vợ không giỏi mà xinh còn hơn lấy đứa giỏi hơn chồng”.
“Có lần vợ chồng cãi nhau vì chuyện gì đấy, mình cũng bực lên rồi nói “Đừng tưởng kiếm nhiều hơn mấy đồng tiền mà cô hơn tôi chắc? đàn bà như cô chỉ nên ở trong bếp thôi”. Đôi khi nó như một uẩn ức, các ông chồng không nói ra nhưng đến lúc cãi nhau mới đem ra dằn hắt vợ”, anh Hùng, 33 tuổi ở Hà Nội chia sẻ. Hỏi anh Hùng có hối hận vì những lời nói đó không, anh nói “Có” nhưng suy nghĩ đó thì không bỏ ra khỏi đầu được. Người ta vẫn nghĩ rằng, đàn bà – giỏi đến mấy vẫn là đàn bà.
Những ông chồng kiếm ít tiền hơn vợ đôi khi không chịu nhiều áp lực từ chính vợ mình – nhiều phụ nữ có tài năng cũng rất khéo léo trong cách cư xử với các chuyện nhạy cảm như tài chính, họ tự cảm thấy tự ti và chịu những áp lực từ cộng đồng, bạn bè xung quanh. “Kiếm ít tiền hơn vợ, nghe thì có vẻ bình thường đấy, nhưng lâu lâu nó thành một lối suy nghĩ trong đầu, thấy mình thua kém vợ nên không dám quyết chuyện gì“, anh Hoàng chia sẻ. Dần dần, tiếng nói trong gia đình vốn nên ở thế cân bằng lại nghiêng sang những người vợ chỉ vì người chồng cảm thấy mình bị lép vế trong cuộc hôn nhân.
Không ít các ông chồng, dù thu nhập không tốt bằng vợ nhưng vẫn một mực bắt người vợ phải nghỉ làm, ở nhà quán xuyến nội trợ hay chăm sóc con. Phần vì họ muốn thể hiện bản thân là người chủ của gia đình, phần vì họ không chịu được những định kiến từ bên ngoài và lối suy nghĩ người vợ nên ở nhà lo cho gia đình vẫn còn găm chặt trong đầu họ.
“Đám người trẻ trí thức hay nông dân ở quê cũng vậy thôi, chẳng mấy ai vui vẻ nếu vợ kiếm được nhiều tiền hơn họ. Chỉ là cách xử trí và quan hệ vợ chồng sẽ duy trì như thế nào“, anh Hùng kể những câu chuyện buồn về các cặp vợ chồng chênh lệch thu nhập anh từng gặp. Câu chuyện tưởng chừng hết đỗi bình thường nhưng khiến nhiều gia đình cãi nhau, hục hặc, thậm chí là nghi ngờ vợ… “ngoại tình” vì “cô có nhiều tiền trong tay thì cô muốn làm gì chẳng được, đâu để ý gì tới bố con tôi”. Nhiều người vẫn coi các gia đình chênh lệch thu nhập như vậy như một dấu hiệu của không hạnh phúc, dù sống giữa các đô thị trong thế kỷ 21.
Tiền của anh – tiền của tôi – tiền của chúng ta
Hôn nhân không được xây dựng theo kiểu một người vợ có thu nhập tốt sẽ phải cưới một anh chồng giàu có hơn. Với cuộc sống phát triển nhanh như bây giờ, việc những người vợ có thu nhập tốt hơn chồng là điều hết sức bình thường, chỉ cần nhìn danh sách những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam cũng có thể lấy làm ví dụ. Họ không thể cứ tìm một người chồng phải giàu hơn họ rồi mới kết hôn; họ cần một người chấp nhận việc phụ nữ có thể giàu hơn nhưng tiền bạc trong một mối quan hệ không có khái niệm của anh – của tôi.
Trong mối quan hệ vợ chồng, nên coi tiền bạc là câu chuyện chung của cả hai và nó cũng quan trọng ngang với việc mọi quyết định đưa ra cũng là suy nghĩ chung từ hai phía. Chi tiêu và tài chính trong gia đình cũng như chuyện tình cảm, cần rõ ràng, xây dựng lòng tin ở nhau và hoàn toàn minh bạch.
Câu chuyện “đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ” không chỉ dừng lại ở định kiến về thu nhập gia đình khi nó liên quan tới nhiều vấn đề khác trong xã hội: Việc chúng ta không ngừng hỏi thu nhập của người khác để lấy ra so sánh, sự soi mói bới móc trong câu chuyện của người khác và cả cách áp đặt gia đình nào cũng phải theo một khuôn mẫu vai trò và thứ bậc. Các cuộc hôn nhân, đa phần đều được đi lên từ chuyện tình cảm, chứ không phải một cuộc đua lương bậc trong công ty. Tiền bạc không phải chỉ số duy nhất để đánh giá một con người và điều này cũng đúng trong hôn nhân.
Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 với cách đánh giá vị thế tài chính nam-nữ của thế kỷ 20 và những quy chuẩn hôn nhân của thế kỷ 19. Trong tương lai, không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những đất nước đang phát triển với việc trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ, sự chênh lệch tài chính nam nữ sẽ ngày càng được nới rộng. Hôn nhân trong thế kỷ 21 sẽ cần cách tiếp cận của thế kỷ 21 và những giải pháp thực sự. Giải pháp không phải là nam giới phải gồng mình lên để kiếm nhiều tiền hơn; đó là vợ chồng phải đối thoại nhiều hơn, người vợ cần hiểu hơn về sự tôn trọng, người chồng hiểu hơn về bình đẳng và hai vợ chồng nhìn ra những khía cạnh khác, mục tiêu quan trọng trong cuộc hôn nhân ngoài tiền bạc.
Hãy để “kiếm ít tiền hơn vợ” không còn là một nỗi buồn mà cách để gợi nhắc mỗi người chồng rằng chúng ta còn nhiều thứ khác trong mối quan hệ cần củng cố và luôn có những thứ người chồng có thể làm tốt hơn vợ.
3 Responses
Scrap metal appraisal Ferrous material best practices Iron waste reclaiming facility
Ferrous material value estimation, Iron scrap recycling facility, Metal recycle
Metal scrap reclamation process Ferrous metal reclaiming services Iron scrap salvage
Ferrous scrap trade, Iron scrap recovery and reclamation, Metal recovery depot
Scrap metal quality assurance Ferrous scrap yard Iron reclaiming facility
Ferrous material recycling advisory, Iron recycling facility, Scrap metal sorting