GHÉ QUÁN CHÈ HƠN 80 TUỔI Ở TP.HCM

Nằm nép mình giữa thành phố hiện đại, quán chè nhà đèn cũ kỹ là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ người dân TP.HCM suốt gần một thế kỷ qua.

Quận 5 từ lâu được xem là thiên đường ẩm thực Trung Hoa nổi tiếng TP.HCM. Tại đây có không ít cửa hàng tồn tại quá nửa thế kỷ.

Vốn hứng thú với những món ăn truyền thống, tôi được người bạn sống lâu năm ở TP.HCM giới thiệu một hàng chè gốc Hoa gần khu chợ vải Soái Kình Lâm (quận 5).

Quán chè lưu truyền qua 4 thế hệ

Nằm trên dọc đường Trần Hưng Đạo ngay trung tâm thành phố, nhưng nếu không nhìn kỹ, bạn khó tìm thấy quán chè. Đó là một căn nhà cấp 4 cổ kính, khép mình giữa dãy phố nhộn nhịp.

Quán tận dụng vỉa hè nhỏ trước nhà làm nơi phục vụ khách ăn tại chỗ, vỏn vẹn 4-5 bàn. Tiệm chè này được biết đến với nhiều tên gọi như chè nhà đèn, chè ma, chè Châu Giang. Mỗi tên gọi lại có cách lý giải riêng.

che nha den quan 5 anh 2
Quán bố trí chỗ ngồi trên vỉa hè, diện tích chật hẹp chỉ đủ 3-4 bàn.

Gọi là chè nhà đèn bởi quán nằm kế bên trạm biến áp. Cái tên chè ma được người dân xung quanh đặt cho bởi quán mở cửa muộn, càng khuya càng đông khách. Tên gốc của quán là chè Châu Giang, do người chủ đầu tiên đặt.

Trò chuyện với chủ quán hiện tại, tôi được biết cụ Phùng Hạnh Phan là người đầu tiên mở hàng chè từ những năm 30 thế kỷ trước. Hiện, chị Lý Thanh Hà – cháu đời thứ 4 thay cụ Phan tiếp quản quán chè. Cụ Phan không con cái nên đã nhận bà ngoại chị Hà làm con nuôi, đặt tên là Lý Ái Quỳnh.

“Tiệm chè được cụ cố gầy dựng, qua bà ngoại, đến má và giờ tôi cùng 2 em gái cố gắng giữ gìn truyền thống gia đình để lại’’, chị Hà chia sẻ.

Địa điểm đầu tiên của quán chè Châu Giang là góc đường Châu Văn Liêm (xưa là đường Tổng Đốc Phương), quận 5 (TP.HCM). Cụ Phan đặt chân đến TP.HCM năm 1938 và cũng năm đó, cụ đã nấu thử nồi chè, bán cho người dân quanh khu vực đường Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi.

che nha den quan 5 anh 3
Chiếc xe kéo quen thuộc của những cửa hiệu gốc Hoa ở TP.HCM.

“Khi làm ăn có lời lãi, cụ mua một chiếc xe, di chuyển xe chè đến khoảng sân nhỏ trước trạm biến áp. Đến giờ, trạm biến áp vẫn còn, khoảng sân nhỏ chính là căn nhà cấp 4 này. Trong nhà là nơi để xe chè và khu vực nấu chè, vỉa hè phía ngoài tôi dành chỗ xếp bàn phục vụ khách ăn tại chỗ”, chủ quán chè hiện tại nói.

Hơn 80 năm trôi qua, gánh chè nhỏ ven đường giờ được mở rộng hơn, gìn giữ đến đời thứ 4. Trải qua mỗi thế hệ chủ quán, thực đơn chè lại tăng thêm vài món để hợp thị hiếu thực khách, nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống.

Chè truyền thống hấp dẫn thực khách hiện đại

Theo lời chị Lý Thanh Hà, những ngày đầu mở bán, quán chỉ phục vụ chè đậu xanh. “Cách đây 80 năm, chè đậu xanh được coi là món ăn vặt của nhà giàu”, chị Hà chia sẻ.

Đến nay, thực đơn quán lên tới 20 món chè, gồm các món đậm hương vị gốc Hoa như chè hột gà trà đen, hột gà chưng bạch quả, đu đủ tiềm, sâm bổ lượng, quy linh cao, mè đen… Mỗi phần chè có giá từ 15.000-30.000 đồng tùy món.

che nha den quan 5 anh 4
Chè được nấu theo công thức gia truyền từ thời cụ cố của chủ quán.

Tôi quyết định ghé quán thưởng thức thử những món chè truyền thống được người dân TP.HCM truyền tai khen ngon. Khoảng 18h, quán đã khá đông khách.

Vì diện tích hẹp, tôi phải ngồi ghép chỗ với những vị khách tới trước. Đang đói bụng nên tôi gọi một món chè nóng, là chè hột gà chưng. Món ăn nóng hổi này đơn giản, có nguyên liệu là trứng gà, gần giống bánh flan, nhưng kết cấu chắc hơn và không có caramel.

Vì món ăn khá ngọt và béo, tôi gọi thêm một phần chè thanh mát để cân bằng lại vị giác. Chủ quán đã gợi ý tôi ăn thử món chè sâm bổ lượng. Các nguyên liệu đã được nấu sẵn, người bán chỉ chuẩn bị khoảng 2-3 phút là có ngay món chè khách yêu cầu.

che nha den quan 5 anh 5
Chè sâm bổ lượng là món ăn quen thuộc, hợp khẩu vị nhiều thực khách.

Lần đầu thưởng thức sâm bổ lượng, tôi cảm thấy như đang cầm bát có các loại thuốc bắc. Chủ quán chè giải thích: “Sâm bổ lượng có các nguyên liệu gồm táo tàu, nhãn nhục, hạt sen, củ năng, củ sâm, rong biển khô…”. Món chè có phần nước ngọt thanh, làm giảm vị béo ngậy của món hột gà chưng tôi vừa ăn.

Chị cho biết mỗi khách có một sở thích khác nhau. Món chè nào trong thực đơn cũng được gọi. Vì thế các nguyên liệu được chuẩn bị với số lượng đều nhau, không món nào nhiều hơn hay ít hơn.

Thực khách ghé quán đa phần là khách quen. Chị Hương (quận 7) chia sẻ: “Mình ăn ở đây hơn 10 năm rồi. Từ ngày mạng xã hội phát triển, quán đông khách hơn. Quán có các món chè rất đặc trưng của người Hoa. Một vài món mình cảm thấy khó ăn như hột gà trà đen. Vì thế mình thường gọi các loại chè quen thuộc như sâm bổ lượng, mè đen hay đậu xanh”.

che nha den quan 5 anh 6
Chị Hương cho biết rất thích món chè sâm bổ lượng ở đây nên đã mua thêm vài suất đem về.

Một vị khách khác lần đầu ghé quán và chọn món đu đủ tiềm. Người này nói rằng không nghĩ đu đủ có thể nấu thành món chè có vị thanh mát, quyện vị ngọt đặc trưng của táo đỏ.

Càng về tối, lượng khách đến quán ngày một đông hơn. Chị Hà cho biết giờ mở cửa muộn nhất là 0h. Mặc dù đông khách, quán chè lâu đời này không mở thêm chi nhánh hay đổi địa điểm rộng hơn.

Vì quán nhỏ nên lượng khách mua về khá đông. Khách đến ăn tại quán nếu đi xe phải gửi bên nhà đối diện với giá 8.000 đồng/lượt.

che nha den quan 5 anh 7
Vì quán nhỏ, nhiều thực khách mua chè mang về chứ không ngồi ăn tại quán.

Chủ quán giải thích: “Do khách đã quen quán, tôi cũng không muốn thuê người ngoài làm chè. 3 chị em tôi thay nhau giữ quán, chỉ duy trì cái nghề từ thời cụ cố để lại chứ không đủ sức để quản lý một cửa hàng lớn”.

Giữa vô vàn những quán cà phê, trà sữa… không gian đẹp, đa dạng món, quán chè hơn 80 tuổi vẫn có chỗ đứng riêng giữa thành phố hiện đại, thân thuộc với nhiều thế hệ người TP.HCM, hấp dẫn những thực khách trẻ muốn tìm lại hương vị ẩm thực xưa cũ.

6 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan