Doanh nhân Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái: Lan tỏa hương thơm “đệ nhất danh trà” Viễn Nguyệt – 11/12/2021 15:20

Sinh ra ở vùng lõi “đệ nhất danh trà”, làm chè từ bé, doanh nhân Hoàng Thị Tân luôn mong ước nâng giá trị và hiệu quả của cây chè, tăng thu nhập cho bà con Tân Cương (Thái Nguyên).
doanh nhân Hoàng Thị Tân hiểu rất rõ về vùng đất Tân Cương và lịch sử của cây chè
Doanh nhân Hoàng Thị Tân hiểu rất rõ về vùng đất Tân Cương và lịch sử của cây chè

Giữ nghề truyền thống

Cảm giác thật thư thái khi ngồi giữa vùng lõi “đệ nhất danh trà”, vừa nhâm nhi chén trà đặc sản thơm ngát, vừa lắng nghe Giám đốc Hợp tác xã Tâm Trà Thái giới thiệu cách thức, quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến, bảo quản trà và giãi bày mong ước giữ nghề truyền thống…

Ngay từ khi còn nhỏ, hiểu được ý nghĩa và mong muốn của cha mẹ khi đặt tên cho 2 chị em (chị Tân, em Cương) như một lời nhắc nhở phải luôn giữ nghề truyền thống của gia đình và nhớ về nguồn cội, Hoàng Thị Tân đã “thuộc làu” cách thức làm chè.

“Lúc đó, làm chè hoàn toàn thủ công, từ phơi héo, vò chè bằng tay, sao chè bằng chảo gang truyền thống, đến sấy chè cũng dùng sức người quay thủ công là chính. Bất kỳ người làm chè nào cũng thấm thía nỗi vất vả, cực nhọc của nghề này”, chị Tân nói.

Mong muốn giữ chân khách lâu hơn ở Tân Cương để không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, mua trà, mà còn cùng người dân bản địa khám phá văn hóa địa phương, cùng nấu ăn, trải nghiệm hái chè, sao chè và học cách pha trà…, chị Tân đang xây dựng cơ sở lưu trú để phục vụ khách một cách chu đáo nhất.

Mới đây, Trung tâm Trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè của Hợp tác xã Tâm Trà Thái cũng đã được khánh thành, hiện thực hóa mơ ước mở “không gian trà” của nữ doanh nhân. 

Thế nên, chị luôn nung nấu quyết tâm phải làm “một cái gì đó” để thay đổi phương thức sản xuất chè. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, Tân trở về quê và tiếp tục gắn bó với cây chè. “Vốn liếng” của cô sinh viên mới ra trường khi đó không có gì ngoài tình yêu đối với nghề truyền thống và tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ, nhưng Tân vẫn quyết tâm mở cơ sở sản xuất với sự góp sức của bà con, cô bác họ hàng, chòm xóm.

Những năm đó, chè làm ra chỉ có con đường tiêu thụ duy nhất là qua thương lái. Đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào một kênh, nên sản phẩm dù tốt đến mấy cũng bị ép giá. Bao chè 30 kg, nhưng người mua trừ tới 3 kg phần bao bì, người bán vẫn phải chịu…

Không chấp nhận sự bất công đó, chị Tân quyết tâm tìm ra con đường đi riêng. Song song với việc làm ra sản phẩm có chất lượng thật tốt, chị đôn đáo ngược xuôi tìm hướng tiêu thụ. Chị đến Khu du lịch Hồ Núi Cốc gặp các chủ nhà hàng, khách sạn ở đây để tiếp thị, trực tiếp giới thiệu sản phẩm với các giám đốc lữ hành, hướng dẫn viên, trưởng đoàn…

Sự giản dị, mộc mạc, chân chất của cô gái vùng chè đã gây thiện cảm với nhiều người và trên hết, chất lượng chè đã thuyết phục được cả những người uống trà khó tính nhất. Tiếng lành đồn xa, khách tìm đến cơ sở chè của chị Tân ngày càng nhiều, có những người trở thành bạn hàng “ruột” nhiều năm, thân thiết như người trong gia đình…

Lan tỏa hương trà

Sau một thời gian hoạt động, đến năm 2018, cơ sở sản xuất của chị Tân chính thức chuyển sang mô hình hợp tác xã. Hiện nay, Hợp tác xã Tâm Trà Thái đang khai thác 11 ha trà và dự kiến tăng lên 29 ha trong 3 năm tới (liên kết với bà con nông dân làm chè hữu cơ ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu), áp dụng quy trình sản xuất chuẩn VietGAP.

“Hợp tác xã Tâm Trà Thái nằm trong vùng lõi chè, nên tập trung được toàn bộ bà con có tay nghề làm chè lâu năm. Quy trình sản xuất luôn tuân thủ theo chuẩn, có sổ sách ghi chép chi tiết, ngày nào bón phân, ngày nào tưới nước, ngày nào thu hái, thu hái loại gì…”, chị Tân chia sẻ.

Trong quá trình hoạt động, Hợp tác xã Tâm Trà Thái luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Liên hiệp Hợp tác xã Chè Thái Nguyên, với các khóa tập huấn kỹ thuật, các lớp đào tạo về trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn cách thức liên kết với các đơn vị như Co.opmart, các siêu thị, trạm dừng nghỉ… để tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Liên hiệp Hợp tác xã Chè Thái Nguyên còn tổ chức xúc tiến thương mại để quảng bá mạnh mẽ thương hiệu chè Tân Cương, Thái Nguyên tới mọi vùng, miền trên cả nước…

“Mỗi năm, sản xuất được 7 – 9 vụ chè rải đều các tháng, trong đó, vụ tháng 8 là chè ngon nhất. Hợp tác xã Tâm Trà Thái thực hiện toàn bộ các khâu để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, từ hái, sao chè đến đóng gói… Thu nhập của bà con trong Hợp tác xã đạt từ 4,5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng, tùy từng thời điểm và bộ phận”, chị Tân tiết lộ.

Do Tân Cương nằm ở phía Đông của dãy núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), với độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, nên dãy núi đã che và ngăn được những tia cực tím trong khúc xạ ánh nắng buổi chiều, tác động đến sự quang hợp của cây chè. Do đó, chè Tân Cương có vị khác hẳn so với chè ở nơi khác, ngọt hậu rất sâu. Hơn nữa, vùng Tân Cương có đất đá gan trâu đặc biệt hợp với cây chè, do có nhiều khoáng chất; lại nằm ở hạ lưu vùng núi Cốc, giữa 2 dòng sông, nên thổ nhưỡng cực tốt.

“Điều dễ nhận thấy nhất là nước trà Tân Cương có màu vàng xám, chứ không phải màu xanh như trà ở vùng khác”, chị Tân nói.

Hiện tại, Hợp tác xã Tâm Trà Thái có rất nhiều dòng sản phẩm, trong đó 3 loại nổi bật nhất là chè đặc sản hay còn gọi là trà móc câu (giá 350.000 – 500.000 đồng/kg); chè búp từ 500.000 đến 1 triệu đồng/kg; chè đinh (nõn đặc biệt) từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/kg và loại đặc biệt hơn nữa giá 10 triệu đồng/kg.

Mới đây, sản phẩm Nhất Đinh trà đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trước đó, 2 sản phẩm trà khác của Hợp tác xã Tâm Trà Thái đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao là Nhất Đinh trà và Trà tôm nõn. “Sản phẩm của Hợp tác xã Tâm Trà Thái ngày càng được đông đảo người yêu trà cả nước biết đến qua nhiều kênh liên kết, phân phối, quảng bá…”, chị tự hào chia sẻ.

Chia sẻ Những câu chuyện thú vị

Vốn hiểu rất rõ về vùng đất Tân Cương và lịch sử của cây chè, chị Tân luôn ấp ủ mong muốn được lan tỏa những câu chuyện thú vị xung quanh cây chè tới khách hàng. Chị bảo, Tân Cương có những vườn chè cổ, các cụ lên đây sinh sống từ năm 1092 đã trồng những vườn chè đầu tiên. Chè cổ dù năng suất không cao nhưng chất lượng cực kỳ tốt, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất cao mới cho ra được chè vị đậm, hương thơm. Nhiều vườn chè có cây lâu niên nhất là 100 năm, nhỏ nhất là 35 tuổi, chuyên làm những sản phẩm chè đặc biệt (chè đinh), búp nõn…

Một dự án tâm huyết khác đang được Giám đốc Hoàng Thị Tân triển khai, là khôi phục nghề làm nón lá truyền thống của người Tày để vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc, vừa mang lại niềm vui cho các cụ cao tuổi ở vùng ATK Định Hóa, vừa làm đồ lưu niệm.

Chị bộc bạch, nón lá là vật rất quan trọng đối với người phụ nữ Tày. Bất cứ cô gái Tày nào khi lấy chồng đều được mẹ tặng cho chiếc nón lá để đội về nhà chồng. Nón lá che mưa, che nắng cho người phụ nữ Tày trong cuộc sống, lao động sản xuất, đến khi mất đi vẫn phải có nón lá mang theo.

Nón được làm từ những sợi lạt trên cây giang không bị gãy giập. Ống giang phải dài, cạo bỏ lớp xanh bên ngoài, nút hai đầu ống để không bị khô quá rồi mới đem phơi cho tới khi đạt độ dẻo nhất định. Lạt giang phải thật mỏng, dẻo, chuốt thật nhẵn trước khi đem đan nón thì mới tạo được một lớp như mắt cáo bên trong nón, để vừa có độ bền vừa có độ êm khi đội, phía ngoài là lá cọ để tạo độ mát.

“Để làm được một chiếc nón là cả một sự kỳ công. Ngoài các công đoạn trên, sợi cước đan nón được lấy từ cây móc già mọc sâu trong rừng, dùng một số chi tiết trên thân cây guột để trang trí nón… Do cầu kỳ, công phu như vậy nên rất ít người làm được và nghề này dần dần thất truyền”, chị Tân chia sẻ.

Để bảo tồn nét văn hóa của người dân tộc Tày, cô đã vận động các cụ, các bà đều trên 80 tuổi đan nón, toàn bộ số tiền bán nón cho du khách Tân ủng hộ các bà, các mế. “Trước khi có dịch Covid-19, khách nước ngoài khi đến thăm vùng chè Tân Cương rất thích nón này và họ mua rất nhiều làm kỷ niệm. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho các bà, các mế và người dân quê hương mình…”, chị Hoàng Thị Tân bày tỏ.

59 Responses

  1. Pingback: Firearms For Sale

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan