Văn hoá kì lạ ở các công ty Trung Quốc: Phạt nhân viên đi tiểu quá 1 lần/ngày

Văn hoá nhịn tiểu tại nước này đang khiến nhiều người phải cải thiện kỹ nghệ đi vệ sinh.

Bị phạt vì đi tiểu

Đầu năm 2021, câu chuyện về một công ty tại tỉnh Quảng Đông -Trung Quốc phạt công nhân vì tội đi tiểu quá nhiều lần đã làm dậy sống cộng đồng mạng.

Cụ thể, công ty Anpu Electric Science and Technology tại Dongguan đã áp dụng cơ chế phạt 20 Nhân dân tệ, tương đương 3USD cho bất kỳ nhân viên nào đi vào nhà vệ sinh quá 1 lần mỗi ngày.

Phía công ty cho biết quyết định này được áp dụng nhằm đảm bảo chính sách chỉ được đi toilet 1 lần mỗi ngày của hãng.

Trong khoảng 20-21/12/2020, Anpu đã phạt 7 công nhân vì vi phạm chính sách trên.


Trên thực tế, câu chuyện đi vệ sinh đã trở thành điểm nhức nhối của rất nhiều người tại Trung Quốc khi phải làm việc trong nhà máy hay thậm chí tại những văn phòng đông đúc.


Theo tờ 
SCMP, rất nhiều nhà máy tại tỉnh Quảng Đông-Trung Quốc có chính sách ngặt nghèo về vấn đề này. Có nơi khóa nhà vệ sinh trong giờ làm hoặc thậm chí cử 1 người giám sát ngay trước cửa toilet.


Một số nhà máy khác thì thực hiện chính sách thẻ đi tiểu và người muốn đi phải đăng ký trước, đồng thời trừ tiền “giấy vệ sinh” cho mỗi lần vào toilet.

Tại Thượng Hải, thậm chí có những công ty cho lắp đồng hồ đếm số giờ sử dụng toilet chính xác đến từng giây. Rất nhiều văn phòng tại đây dán quy định khuyến cáo không được dùng toilet quá lâu cho hoạt động hút thuốc hay dùng điện thoại. Nhiều nơi còn ngắt kết nối Internet trong toilet để ngăn hiện tượng lao động dùng nhà vệ sinh quá lâu.

Tờ 
SCMP nhận định cuộc chiến đi vệ sinh đang bùng nổ ở Trung Quốc khi công nhân muốn được tự do giải quyết nhu cầu của bản thân nhưng chủ doanh nghiệp lại lo sợ họ lười nhác, dùng đây làm cớ để trốn việc gây giảm năng suất, hao mòn lợi nhuận.


Hệ lụy từ 996


Câu chuyện 996 – làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần – đã quá quen thuộc với những người lao động Trung Quốc khi các ông chủ cho rằng nhân viên của mình chưa làm đủ tốt và đang lãng phí tài nguyên của họ.


“Chúng tôi chẳng còn cách nào khi công nhân lười nhác. Quản lý đã nói với họ nhiều lần nhưng không có kết quả khá hơn”, một giám đốc giấu tên của Anpu nói khi bị dư luận chỉ trích cho số tiền phạt đi vệ sinh trên.

 

 

Sau khi bị đưa lên mạng, vụ việc đã được chính quyền địa phương tiến hành xác minh. Trả lời The Paper, các quan chức địa phương cho biết việc phạt tiền này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên phía công ty cho biết họ không ép nhân viên nộp phạt mà trừ thẳng vào tiền thưởng cuối năm, qua đó không vi phạm.

Việc nên hay không nên áp dụng những hình thức kỷ luật chặt chẽ đang khiến cộng đồng mạng Trung Quốc tranh cãi kịch liệt. Những người ủng hộ cho rằng chủ doanh nghiệp cần những quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo sự công bằng và lợi ích cho công ty.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng có nhiều cách để nâng cao hiệu quả cũng như kỷ luật làm việc hơn là giới hạn giờ đi tiểu.


Trước đó tại tỉnh Xinjiang, một nhà máy cũng đã bị điều tra khi phạt 20 Nhân dân tệ mỗi phút cho bất kỳ nhân viên nào đi vệ sinh quá 8 phút/ngày.

Năm 2018, tập đoàn công nghệ NetEase cho biết mình đã đầu tư đến 2 triệu Nhân dân tệ nhằm xây dựng hệ thống chặn internet trong nhà vệ sinh.

Kỹ nghệ đi tiểu


Áp lực làm việc quá lớn trong khi cơ hội thành công ngày càng nhỏ khiến nhiều bạn trẻ Trung Quốc từ bỏ cơ hội phấn đấu. Phong trào “nằm thẳng” (Tang Ping) ngày càng phổ biến khi thanh thiếu niên giờ đây dù có bằng cấp nhưng chỉ muốn những công việc đơn giản, sống vất vưởng qua ngày theo ý thích.


Đối với những người còn trụ lại được, họ không chỉ cần nâng cao tay nghề và sức chịu đựng cho văn hóa làm việc 996 mà còn phải học cách đi vệ sinh cho đúng. Một số người hạn chế uống nước, học cách chỉ đi tiểu một lần hoặc đi vệ sinh vào buổi tối.


Tuy nhiên đây không phải giải pháp lâu dài cho những người ở lại và sớm muộn những nhân viên này sẽ phải chọn hướng đi mới cho mình nếu không muốn đổi sức khỏe lấy đồng lương ít ỏi.


Không riêng gì các công nhân trong nhà máy hay những nhân viên văn phòng cắm đầu vào các dự án, tạp chí 
People đã từng cảnh báo về tình trạng bóc lột sức lao động của những người chuyển hàng tại Trung Quốc. Các lao động này bị gây sức ép về thời gian chuyển hàng đến nỗi không có đủ thời gian đi vệ sinh, ăn uống hay tắm rửa bởi họ sẽ bị trừ lương rất nặng nếu không đạt chỉ tiêu.


“Với nhiều ông chủ, có lẽ lao động tốt nhất là những người không đi vệ sinh, tắm rửa hay ăn uống”, một công nhân giấu tên mỉa mai văn hóa làm việc hiện nay tại Trung Quốc.


Không riêng gì chuyện đi vệ sinh, tờ 
SCMP còn cho biết các doanh nghiệp nước này đôi khi phạt nhân viên vì những lý do rất dị. Vào tháng 8/2021, hãng Shanghai Qiubiying Business Consulting bị lên án với quy định phạt nhân viên nếu họ vứt đồ ăn trưa miễn phí của công ty quá 3 lần.


Cùng thời gian đó, hãng Shanghai Banmoo Furniture đã phải lên tiếng xin lỗi vì bắt một nhân viên nữ đang trong kỳ nghỉ đẻ phải viết tay ít nhất 4.800 chữ về kinh nghiệm bán hàng để chia sẻ cho người mới. Vị nữ nhân viên này sẽ bị phạt 50 Nhân dân tệ cho mỗi lỗi chính tả, 100 Nhân dân tệ cho lặp câu và 500 Nhân dân tệ nếu không giao bài đúng hạn.


Kỳ lạ hơn vào năm 2016, hãng Shandong Jiahua International Travel Agency đã yêu cầu tất cả các nhân viên viết bình luận tích cực vào tài khoản Weibo của giám đốc quản lý hàng ngày. Những ai không làm sẽ bị phạt 50 Nhân dân tệ.


Rõ ràng, kỹ năng làm việc là không đủ để tồn tại ở Trung Quốc khi người lao động còn phải nâng cao những “kỹ nghệ” khác.


Nguồn: SCMP

3 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan