Paul Krugman: Người đàn ông Do Thái tiên đoán chính xác kinh tế thế giới dù vẫn ngồi nhà, ẵm luôn cả giải Nobel

Bằng ngòi bút và một bộ óc thông minh tuyệt đỉnh, Paul Krugman đã đưa ra những dự báo rất chính xác về kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, đoạt giải Nobel mà chẳng cần phải đi đâu.

Paul Krugman: Người đàn ông Do Thái tiên đoán chính xác kinh tế thế giới dù vẫn ngồi nhà, ẵm luôn cả giải Nobel

Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.

CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về “Những vĩ nhân Do Thái nổi bật“. Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những người nổi tiếng trên thế giới.

Chuyên gia kinh tế Paul Krugman sinh năm 1953 trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái. Ông đã từng làm giáo sư kinh tế tại trường đại học New York, MIT và Princeton. Năm 2008, ông đạt giải thưởng Nobel về kinh tế học cho những đóng góp về lý thuyết kinh thế như thuyết thương mại mới hay địa lý kinh tế mới.

Ông Krugman đã viết hơn 20 cuốn sách, hơn 200 bài viết học thuật và hơn 750 bài phân tích trên các tờ báo lớn tại Mỹ. Nội dung của các bài viết này trải dài từ phân phối thu nhập, thuế, kinh tế vĩ mô cho đến kinh tế quốc tế.

Chuyên gia kinh tế này còn là chuyên gia phân tích thường kỳ cho tờ New York Times, đồng thời thu hút được lượng lớn độc giả quan tâm, từ sinh viên, giáo sư cho đến các doanh nhân, nhà chính trị đối với các bài viết của mình.

Ảnh hưởng của ông Krugman đến nền kinh tế, hệ thống tài chính là khá lớn khi những lý thuyết và quan điểm của ông được nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong giới học thuật. Năm 2016, RePec bình chọn ông là nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn thứ 24 trên thế giới nhờ những đóng góp to lớn của chuyên gia này đối với toàn cầu.

Đây là một điều khá đặc biệt khi nhiều chuyên gia kinh tế hoặc rất giỏi về phân tích số liệu, hoặc giỏi viết báo, hoặc có quan hệ khá rộng, trong khi Paul Krugman chỉ đơn thuần nghĩ đến những điều mà không ai nhận ra.

Người không tin vào những phép màu

Ngoài những bài viết học thuật gây tiếng vang, chính các dự báo chính xác của Krugman về kinh tế toàn cầu mới là điều khiến ông trở nên nổi tiếng và được quan tâm rộng rãi.

Vào thập niên 90, chính Paul Krugman là người đã dự báo chuẩn xác nền kinh tế Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản đang lâm vào cái bẫy thanh khoản khi chính phủ liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, sử dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế nhưng hiệu quả lại không được như ý.

Nguyên nhân chính là tỷ lệ lạm phát thấp khiến Nhật Bản rơi vào nguy cơ giảm phát, người dân thay vì chi tiêu thêm lại tiết kiệm tiền để chờ giá xuống hoặc để đề phòng khủng hoảng kinh tế xảy ra. Các doanh nghiệp không đầu tư tích cực hơn dù đã được ngân hàng nới lỏng tín dụng.

Đúng như những gì ông Krugman dự đoán, Nhật Bản đã lâm vào tình trạng tăng trưởng chậm vào cuối thập niên 90 và để Trung Quốc vượt mặt sau đó.

Ngay từ cuối thập niên 90, Paul Krugman đã nhận định việc các ngân hàng hạ lãi suất cơ bản xuống mức quá thấp sẽ tạo nên nhiều rủi ro khi họ không còn nhiều công cụ tài chính nếu kinh tế không tăng trưởng như mong đợi và khủng hoảng xảy ra một lần nữa. Dự đoán này của Krugman lại chuẩn xác một lần nữa khi cả Châu Âu và Nhật Bản hiện đang có mức lãi suất rất thấp, thậm chí xuống mức âm nhưng nền kinh tế lại không bùng nổ như kỳ vọng.

Thậm chí ngay tại Mỹ, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nên tăng lãi suất từ mức cực thấp 0,25-0,5% hay không hiện nay cũng đang gây ra vô vàn tranh luận bởi tăng trưởng của nước này vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Cũng trong giai đoạn cuối thập niên 90, chuyên gia Krugman cho rằng những con rồng Châu Á, sự kỳ diệu của Trung Quốc, những con hổ Đông Á… đang tăng trưởng không bền vững. Năm 1994, chính Krugman đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á phụ thuộc quá nhiều vào các dòng vốn tín dụng cũng như sự dồi dào trong lực lượng lao động. Trong khi đó, nền kinh tế và những yếu tố cơ bản của các nước này lại không được cải thiện mấy.

Theo Krugman, chỉ khi các nền kinh tế Châu Á này cải thiện được những yếu tố cơ bản về kinh tế, về năng suất thì tăng trưởng mới bền vững trong dài hạn. Luận điểm này của ông đã nhận vô vàn lời chỉ trích bởi đầu thập niên 90, châu Á bắt đầu nổi lên như một khu vực kinh tế sẽ thống trị kinh tế thế giới trong tương lai.

Bên cạnh Nhật Bản đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi ấy, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore nhanh chóng trở thành “hiện tượng kinh tế” dưới góc nhìn của phương Tây.

Bốn nền kinh tế nói trên được báo chí phương Tây đặt biệt danh “những con hổ châu Á”. Họ cùng với những nền kinh tế khác như Malaysia, Indonesia, Thailand… được phương Tây liên tục ca tụng dưới cái tên mỹ miều “Châu Á thần kỳ”, với những chính sách đưa đất nước dần tiến tới “thế giới thứ nhất” từ nền tảng nghèo khó.

Giữa những lời khen ngợi như vậy, những “con hổ châu Á” liền gặp phải một kẻ phá bĩnh là Paul Krugman. Ông viết một bài trên tạp chí Ngoại giao (The Diplomat) cuối năm 1994, với tiêu đề vô cùng khiêu khích: “Câu chuyện hoang đường của châu Á thần kỳ”.

Trong bài viết này, ông thẳng thừng gọi “những con hổ châu Á” cũng như Nhật Bản, Trung Quốc chỉ là “hổ giấy”.

Để minh chứng cho luận điểm của mình, Krugman chỉ ra kinh tế các nước châu Á phát triển chỉ “đơn thuần nhờ tăng vốn đầu tư và sử dụng lao động, chứ không hề có chính sách hay mô hình kinh tế ưu việt nào cả”.

“Không có phép màu nào cả!”, ông khẳng định.

Không phải là người đầu tiên đưa ra luận điểm đầy tranh cãi ấy, nhưng Paul Krugman là người đẩy nó lên cao trào. Ông cho rằng chỉ với việc tăng vốn đầu tư và gia tăng lao động sẽ không thể duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Bài viết ấy ngay từ thời điểm xuất hiện đã gây tranh cãi gay gắt trên thế giới. Những “con hổ châu Á”, vốn rất tự tin vào mô hình phát triển kinh tế mà họ nhận định là hình mẫu kinh tế thế giới trong tương lai, đã chỉ trích Krugman không tiếc lời. Vô số nghiên cứu ở các mức độ khác nhau phản bác lại quan điểm của ông.

Duy nhất một điều có thể minh chứng được rằng, Paul Krugman đã đúng, đó là thực tế. Và thực tế, đã xảy ra còn nhanh hơn cả những dự tính của ông.

Năm 1997, chưa đầy ba năm sau bài viết đầy tranh cãi của Paul Krugman, châu Á xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tệ hại chưa từng có trong lịch sử. Các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút vốn về nước, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến “bốn con hổ” và những nền kinh tế mới nổi khác tại châu Á tiêu điều.

Chỉ đến lúc này, người ta mới tin Paul Krugman. Bài viết của ông từ chỗ bị chỉ trích nặng nề trong quá khứ đã được coi là “điềm báo” về khủng hoảng kinh tế châu Á. Singapore và Malaysia, hai quốc gia nghiêm túc nhìn nhận quan điểm của Paul Krugmann để xây dựng chính sách, là hai quốc gia thoát khỏi khủng hoảng sớm nhất.

Đúng như những dự đoán, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc còn nhiều nước Châu Á khác như Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang gặp khó khăn so các chính sách bất hợp lý trước đây.

Vào đầu thập niên 2000, Krugman cũng phản đối chính sách cắt giảm thuế của cựu Tổng thống George Bush khi cho rằng điều này chỉ làm suy giảm ngân sách chứ không thực sự thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Trên thực tế, chính sách nới lỏng tiền tệ của chính quyền Bush đã gián tiếp thúc đẩy đầu tư và tạo nên cơn khủng hoảng năm 2008 khi bong bóng nhà đất tại Mỹ đổ vỡ. Trong khi nhiều chuyên gia có quan điểm tích cực với thị trường thời điểm năm 2008, chính Krugman là chuyên gia có những quan điểm bi quan về nền kinh tế.

Năm 2009, Krugman cho rằng các chính sách kích thích kinh tế mới của Tổng thống Barack Obama là quá nhẹ và không đủ để đưa nền kinh tế nước này trở lại thời kỳ đỉnh cao. Thêm vào đó, chính phủ đang tốn tiền để giải cứu những ông lớn trong ngành tài chính thay vì thực sự giải quyết những bất cập còn tồn tại trong ngành.

Một lần nữa, Krugman lại đúng khi nền kinh tế Mỹ dù đã có cải thiện nhưng chưa thể lấy lại hào quang trước khủng hoảng 2008. Thêm vào đó, ngành ngân hàng cũng ngày càng gặp khó khăn dù họ đã sống sót sau khủng hoảng. Hàng trăm nghìn nhân viên trong ngành đã bị sa thải do kết quả kinh doanh yếu kém của hệ thống ngân hàng.

Paul Krugman chụp ảnh cùng Tổng thống Geprge Bush

Lý thuyết thương mại mới và địa lý kinh tế mới

Nếu những dự đoán chính xác của Paul Krugman khiến ông trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến thì việc phát triển những lý thuyết kinh tế mới là yếu tố chủ chốt để chuyên gia này giành được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008.

Một trong những công trình mà ông Krugman xây dựng là lý thuyết thương mại mới, một học thuyết giúp giải thích sự bất hợp lý của lý thuyết thương mại cũ trước đó.

Trước năm 1970, lý thuyết thương mại quốc tế của chuyên gia kinh tế David Ricardo được sử dụng rộng rãi và nguyên lý chủ chốt của lý thuyết này là lợi thế so sánh. Theo đó, các quốc gia mua bán, trao đổi hàng hóa là do họ có lợi thế so sánh khác nhau.

Ví dụ, nước A có lợi thế sản xuất hàng nông sản nhưng không chuyên về các mặt hàng khai khoáng, nghĩa là nước A có lợi thế so sánh về nông sản. Trong khi nước B có lợi thế về khai khoáng nhưng có vị trí địa lý không thuận lợi cho nông nghiệp. Kết quả là nước A giao thương với nước B dựa trên lợi thế so sánh của từng nước để trao đổi cho nhau những hàng hóa mà đối phương có nhu cầu.

Đến những năm 1930, lý thuyết của Ricardo được hai chuyên gia Eli Heckscher và Bertil Ohlin mở rộng. Theo đó, những nước có lợi thế sản xuất hàng hóa dựa trên lực lượng lao động lớn nhưng thiếu vốn và kỹ thuật sẽ giao thương với quốc gia có lợi thế ngược lại.

Điều này giải thích tại sao những nước đang phát triển và có lực lượng lao động dồi dào như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ xuất khẩu các mặt hàng kỹ thuật kém như may mặc, giày dép… sang Mỹ còn phía Mỹ xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật cao như máy tính, máy bay, thiết bị điện tử… ngược trở lại.

Tuy nhiên, mô hình lý thuyết thương mại cũ này không giải thích được tại sao Mỹ và Châu Âu đều là những nền kinh tế phát triển, có kỹ thuật cao lại đi giao thương các mặt hàng công nghệ cao như xe hơi, smartphone hay máy bay. Hơn nữa, việc nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ vươn mình xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao ngược trở lại các thị trường phát triển như Châu Âu, Mỹ cũng khiến nguyên lý lợi thế so sánh của Richarson bị lung lay.

Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế đã cố gắng bổ sung cho lý thuyết của Richarson nhưng phải mãi đến khi Paul Krugman phát triển lý thuyết của mình vào thập niên 70 thì các chuyên gia kinh tế mới giải thích thỏa đáng hiện tượng giao thương giữa các nước trên thế giới.

Theo Krugman, việc sản xuất trên quy mô lớn làm giảm chi phí sản xuất và người tiêu dùng hiện nay có nhu cầu đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Với 2 tiền đề trên, ông Krugman cho rằng các quốc gia thường tập trung sản xuất vào một vài thương hiệu hoặc thậm chí một bộ phận sản phẩm nhất định để tiết kiệm chi phí, hay còn gọi là lợi thế về quy mô. Tiếp đó, do người tiêu dùng có nhu cầu khác nhau về thương hiệu nên họ vẫn chấp nhận mua sản phẩm nhập ngoại kể cả khi chúng đã được sản xuất trong nước.

Điều này giải thích tại sao Châu Âu vẫn nhập xe Ford của Mỹ khi họ đã có BMW của Đức. Tương tự, lý thuyết của Krugman cũng giải thích thỏa đáng tại sao Hàn Quốc lại từ bỏ lợi thế so sánh nhiều lao động trước đây để vươn mình xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Mỹ. Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ có nhu cầu đối với smartphone Samsung ngay cả khi nước này đã có iPhone.

Ngoài lý thuyết thương mại mới, Paul Krugman cũng là người giải thích thỏa đáng tại sao quá trình đô thị hóa và sản xuất tập trung tại các thành phố lớn lại tăng nhanh, tỷ lệ thuận với sự phát triển công nghệ trong thế kỷ 20 thông qua thuyết địa lý kinh tế mới.

Theo đó, ông Krugman cho rằng các công ty thường muốn tập trung sản xuất ở những vùng đông dân cư nhằm tận dụng nguồn lao động cũng như thị trường tại đây để tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, động thái này khiến giá hàng hóa rẻ hơn, đa dang dạng hơn, qua đó thu hút thêm người đến những đô thị này. Điều này giải thích quá trình đô thị hóa ban đầu tại các nước.

Mặc dù vậy, khi người dân bắt đầu tập trung đông tại một khu vực thì chi phí vận chuyển, giá cả cơ bản tại nơi này sẽ tăng, kéo theo việc làm tăng giá sản phẩm. Khi đó, công ty sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc tận dụng lợi thế quy mô, thị trường tiêu thụ, nguồn lao động với chi phí vận chuyển cũng như giá thành tăng cao khi xác định nơi đặt nhà máy.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chi phí vận chuyển cũng nhiều chi phí khác được tiết giảm nên lợi thế quy mô và thị trường tiêu dùng khiến các công ty ngày càng đặt nhiều nhà máy tại các khu vực đông dân hơn, qua đó tăng cường xu thế đô thị hóa.

Rõ ràng, mặc dù không phải quan chức chính phủ hay nắm giữ vai trò quan trọng trong chính quyền nhưng Paul Krugman có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nền kinh tế cũng như chính sách trên toàn cầu. Bằng ngòi bút và một bộ óc thông minh tuyệt đỉnh, Paul Krugman đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, dù không bước chân ra khỏi phòng, mình vẫn có thể khiến mọi người phải cúi chào thán phục.

 

5 Responses

  1. Pingback: AE Sexy Gaming
  2. Wow, amazing weblog format! How long have you ever been running a blog for?
    you make blogging look easy. The entire glance of your site is fantastic,
    let alone the content! You can see similar here ecommerce

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan