Khi các đại gia … bán cà phê

Chuỗi cà phê bình dân thời gian gần đây đang trở nên sôi động khi có sự tham gia của nhiều thương hiệu mới, trong đó đáng chú ý là chuỗi Ông Bầu (của 3 đại gia Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng, Trần Thanh Hải). Vì sao các đại gia lại quan tâm đến thị trường này? Liệu đây có phải cuộc dạo chơi của những đại gia muốn làm thương hiệu?

Cuối tháng 2, cửa hàng cà phê Ông Bầu đầu tiên được khai trương, khách đến rất đông không chỉ là tên của 3 đại gia đứng sau, mà còn là hình ảnh của bầu Thắng (Võ Quốc Thắng – Chủ tịch CTCP Đồng Tâm) và ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch Nutifood) đứng ra đón khách, pha chế và bưng tận nơi trong ngày khai trương.
Và sau hơn 4 tháng vào ngày 1-7 vừa qua, 3 ông bầu lại cùng nhau xuất hiện trong ngày khai trương quán thứ 100. Lần này họ còn mang đến cho người mua hàng thêm một bất ngờ khi có sự xuất hiện của nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng, và cả huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Tham vọng của Ông Bầu là sẽ mở rộng 10.000 quán trong năm 2022. Vậy miếng bánh cà phê bình dân có gì hấp dẫn các đại gia, trong khi lĩnh vực này nhiều cái tên khởi nghiệp ra lò đã chết yểu?

Lấy thương hiệu cá nhân làm thương hiệu cà phê
Theo đánh giá của chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Thanh Năm, tiềm năng thị trường cà phê chuỗi của Việt Nam cực lớn. Báo cáo công bố cuối 2019 của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Trong đó, 5 chuỗi cà phê lớn nhất mới chỉ chiếm 15,3 % thị phần,  gồm Highlands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long và Trung Nguyên. Như vậy, 85% còn lại sẽ là miếng bánh lớn cho các chuỗi khác cùng chia sẻ.
Khi các đại gia ... bán cà phê ảnh 1“Bầu Thắng” bưng cà phê cho khách hàng.
Khai phá một thị trường tiềm năng là lựa chọn đúng đắn, nhưng hình ảnh các ông bầu liên tục xuất hiện tại các cửa hàng, bưng cà phê, đón khách… lại khá mới mẻ và gây ngạc nhiên. Nói thêm về điều này, ông Năm cho rằng vì mỗi người trong họ đều đã xây dựng được hình ảnh cá nhân nên sự xuất hiện lại gây được hiệu ứng tốt cho chuỗi chứ không hề phản cảm.

Còn chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp Phạm Việt Anh cho rằng, 3 ông bầu là người có tiếng tăm nên họ nhanh chóng tạo dựng được sự quan tâm của xã hội và trở thành động lực để chuỗi cà phê này phát triển nhanh hơn. Nhu cầu uống cà phê của người Việt Nam không hề thay đổi, có chăng chỉ là sự suy giảm của phân khúc cao cấp, nên đây chính là cơ hội cho những chuỗi bình dân.
Đó là chưa kể sau dịch là thời điểm thuận lợi phát triển chuỗi khi chi phí mặt bằng đang giảm mạnh. Kinh doanh chuỗi thành công, các đại gia sẽ có thêm một dòng doanh thu mới (sáng bán, chiều thu tiền không bị ảnh hưởng bởi công nợ). Thậm chí khi xây dựng thành công ở thị trường trong nước, họ sẽ lấn sân ra nước ngoài không chỉ ở mảng mở cửa hàng cà phê, mà cả xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Đúng là chuỗi Ông Bầu có trong tay nhiều lợi thế, như hình ảnh của người nổi tiếng, dòng tiền mạnh, các ông chủ giàu kinh nghiệm thực chiến, có vùng nguyên liệu lớn (nông trại cà phê CaDa, rộng hơn 4.000ha, với công suất 11.000 tấn cà phê/năm của NutiFood); thậm chí trong cuộc chạy đua nhượng quyền thương hiệu, chuỗi Ông Bầu còn hỗ trợ vốn cho những người nhận nhượng quyền (nhờ có sự trợ lực từ KienLong Bank của bầu Thắng). Song vì thị trường quá tiềm năng nên sẽ không tránh khỏi cạnh tranh.

Bùng nổ cạnh tranh

Ngay sau khi ông Bầu phát triển hàng loạt cửa hàng trên khắp cả nước, Vinamilk đã thông tin chi tiết về dự án chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo mang thương hiệu Hi-Café trong đại hội cổ đông thường niên 2020. Bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk, cho biết công ty không chi tiền thuê mặt bằng, mà sẽ tận dụng 430 cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” đang hiện diện trên cả nước để phát triển Hi-Café.
Việc tận dụng mặt bằng sẵn có sẽ giúp Hi-Café tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ, và gia nhập ngay vào hàng ngũ những thương hiệu có chuỗi mạnh. Tất nhiên, việc tận dụng không gian của giấc mơ sữa Việt sẽ khiến cho Hi-Café không thể có được ưu thế mặt bằng như các chuỗi khác. Song họ cũng sẽ là một đối thủ không thể bỏ qua.

Trước đó, Trung Nguyên cũng cho ra đời chuỗi E-coffee. Thông qua mô hình nhượng quyền không lấy phí và chi phí đầu tư ban đầu khá mềm (80-210 triệu đồng/cửa hàng), E-Coffee hướng tới mục tiêu mở rộng chuỗi lên 3.000 cửa hàng. Lâu hơn E-Coffee phải kể đến những thương hiệu như Guta, Passio, Milano, Laha, Aha café…
Trong đó, Milano tuy không nổi đình đám nhưng lại âm thầm mở rộng chuỗi của mình. Đến nay sau 8 năm họ đã có trong tay 1.400 cửa hàng, phần đông theo hình thức nhượng quyền thương mại. Còn Guta một cái tên mới nổi gần đây cũng đang trở thành một chiến thần trên đường đua này, khi xuất hiện ở cả 3 mô hình cửa hàng, xe đẩy và ki-ốt với tốc độ mở mới khá nhanh.

Sức hút của chuỗi bình dân, của mô hình cà phê mang đi, đã kéo cả những chuỗi cao cấp như Highland Coffee với những cửa hàng ở các vị trí đẹp cũng phải triển khai chiến dịch cà phê mang đi, và tìm đặt những quầy cà phê ngoài vỉa hè trên một số tuyến phố tại TPHCM. Hay như Nestlé đang thử nghiệm mô hình Nescafé Hub.
Đây được xem là nơi để khách hàng trải nghiệm tất cả các sản phẩm của Nestlé. Nestlé chưa có thông báo gì thêm về các kế hoạch mở rộng, nhưng biết đâu với sức hấp dẫn của thị trường, thương hiệu này sẽ đẩy nhanh mô hình Nescafé-Hub như tại Thái Lan hay Malaysia.

6 Responses

  1. Pingback: bear compound bow

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan