Hai đại học nâng điểm để đánh rớt thí sinh

Do ít người người tham gia xét tuyển, Đại học Đồng Nai và Đại học Hùng Vương TP HCM đặt điểm chuẩn cao để không thí sinh nào trúng tuyển.

Trường Đại học Đồng Nai hôm 9/8 công bố điểm chuẩn 14 ngành hệ đại học ở mức 15-24,7. Trong đó, bốn ngành không có thí sinh trúng tuyển, nhưng được công bố mức điểm chuẩn cao nhất: Sư phạm Vật lý 24,7; Sư phạm Sinh học 18,5; Sư phạm Lịch sử 22,6 và Quản lý đất đai 20,8.

Tương tự, trong số tám ngành cao đẳng sư phạm của trường này, chỉ có ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học có thí sinh trúng tuyển (điểm chuẩn 16). Năm ngành còn lại không tuyển được thí sinh, trong đó hai ngành có điểm chuẩn 16 điểm, ba ngành từ 19 điểm trở lên.

Điểm chuẩn năm 2019 của Đại học Đồng Nai.

Điểm chuẩn năm 2019 của Đại học Đồng Nai.

PGS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Đồng Nai, xác nhận Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã họp, thống nhất nâng điểm chuẩn bốn ngành lên mức cao hơn điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh.

“Các ngành này chỉ có một vài em trúng tuyển, nhiều nhất cũng khoảng năm em nên không đủ mở lớp. Trường buộc phải nâng điểm chuẩn để thí sinh có cơ hội chuyển sang nguyện vọng khác, chứ để các em đến nhập học rồi bị kẹt ở trường mình thì thiệt thòi”, ông Thắng nói và cho biết năm ngoái trường đã phải nâng điểm 1-2 ngành vì lý do tương tự.

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Đồng Nai thông tin thêm, trước khi đi đến quyết định này, trường đã nghĩ tới một vài giải pháp nhưng không khả thi. Thứ nhất là liên hệ để thí sinh biết và đổi nguyện vọng cho phù hợp. Tuy nhiên, qua phần mềm tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường chỉ có thông tin về điểm của thí sinh chứ không có số điện thoại. Thứ hai nhà trường cũng nghĩ đến việc để các em trúng tuyển rồi chuyển ngành khác, nhưng cách này cũng không được vì tổ hợp xét tuyển các ngành khác nhau.

Theo ông Thắng, tình trạng này diễn ra ở nhiều trường địa phương đào tạo nhóm ngành sư phạm bởi nhóm ngành này quy định điểm sàn riêng. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn là chủ trường đúng để đảm bảo chất lượng, nhưng cũng cần có giải pháp để học sinh có cơ hội chuyển sang nguyện vọng khác mà không bị sốc khi trường đẩy điểm lên cao.

“Điểm số của các em hoàn toàn xứng đáng để được học ở trường nhưng giờ lại bị tiếng là trượt ngành nào đó, trượt nguyện vọng 1. Thực tế này đáng buồn nhưng không có cách giải quyết”, ông Thắng nói và cho biết thời gian tới trường có thể suy tính để lập đề án tự chủ tuyển sinh.

Tương tự, Hội đồng tuyển sinh Đại học Hùng Vương TP HCM công bố điểm chuẩn theo phương thức thi THPT quốc gia ở hai ngành Công nghệ sau thu hoạch là 22 và Công nghệ kỹ thuật xây dựng 20. 9 ngành còn lại lấy điểm chuẩn 14.

Đại diện trường cho biết, hai ngành lấy điểm 20-22 chỉ có 1-2 thí sinh dự tuyển. Việc lấy điểm chuẩn cao để tạo điều kiện cho thí sinh có thể trúng tuyển ở ngành khác. Trường không có thông tin của thí sinh để thông báo việc khó mở ngành, với phương thức xét học bạ cũng ít thí sinh tham gia.

Theo quy chế tuyển sinh, trong xét tuyển đợt 1, với từng trường, ngành, thí sinh được xét bình đẳng với kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng đăng ký. Song, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong số đã đăng ký.

Năm ngoái, vì số lượng thí sinh trúng tuyển không đủ người mở lớp nên trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nâng điểm chuẩn cao (20-23 điểm) để không ai trúng tuyển. Đây được xem là cách bảo vệ quyền lợi của thí sinh.

Mạnh Tùng

4 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan