Doanh nghiệp khôi phục sản xuất, dồn lực cho xuất khẩu

Xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi do nhu cầu hàng hóa thế giới tăng cao dịp cuối năm, nhưng bài toán lớn nhất với các doanh nghiệp lúc này là ổn định lao động, an toàn để sản xuất.

Nhiều nhà máy đóng cửa trong tháng 9, đã kéo tụt tăng trưởng xuất khẩu dệt may 9 tháng qua.

Áp lực khôi phục sản xuất
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi nhiều ngành hàng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường tăng vào dịp mua sắm cuối năm. Nhưng áp lực lớn với cộng đồng doanh nghiệp lúc này là có đủ lao động để tổ chức sản xuất an toàn, hoàn thành các đơn hàng cuối năm cũng như tạo đơn hàng mới cho đầu năm 2022.
Mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD của ngành dệt may trong năm 2021 đã bị “phá sản” vì Covid-19, nhưng không chỉ là lỗi hẹn, mà hệ lụy của việc thiếu lao động cho sản xuất tại mỗi doanh nghiệp là cực lớn, khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Đang từ mức tăng gần 10% của 8 tháng đầu năm, nhưng do giãn cách, nhiều nhà máy đóng cửa trong tháng 9, đã kéo tụt tăng trưởng xuất khẩu dệt may 9 tháng qua xuống mức 5,8%, đạt 23,46 tỷ USD (giảm 18,6% về lượng).
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, khoảng 37-47% lao động đã dịch chuyển từ các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương về quê. Việc tiêm vắc-xin vẫn chưa được bao phủ toàn bộ, khiến người lao động rất khó quay trở lại làm việc khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
“Hiện tại, đơn hàng dệt may đã rút khỏi thị trường Việt Nam khoảng 30-34%, tỷ lệ đơn hàng các doanh nghiệp phía Bắc hỗ trợ doanh nghiệp phía Nam chỉ đạt khoảng 10%. Để khôi phục lại cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm, nên các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ” ông Giang cho hay. 

Giày dép, túi xách – ngành hàng xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm ngoái cũng gặp khó như dệt may. Dù giày dép không sụt giảm xuất khẩu, nhưng túi xách giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt 2,24 tỷ USD. Thiếu lao động cũng là trở ngại lớn của ngành khi quay trở lại sản xuất, bởi các nhà máy, xí nghiệp lớn đều đặt tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Đại diện một doanh nghiệp giày xuất khẩu tại Bình Dương chia sẻ, mở cửa trở lại, nhưng thực tế là dịch bệnh chưa hết, thành thử doanh nghiệp phải nỗ lực điều phối sản xuất, nhưng đáng sợ nhất là những biện pháp phòng chống dịch cứng nhắc, hiểu không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Thực tế, quý II và quý III/2021 là thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, đã tác động trực tiếp đến trung tâm sản xuất công nghiệp lớn tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang; các tỉnh, thành phố phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều đáng nói là, khu vực 19 tỉnh, thành phố ở phía Nam tương đương với 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các địa phương này phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nên có tác động rất lớn đến sản xuất, qua đó ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu.

Kỳ vọng vào nhóm hàng nào
Những tháng khó khăn vừa qua, bằng nhiều cách khác nhau, một số ngành hàng, doanh nghiệp đã hạn chế được tác động tiêu cực từ Covid-19, duy trì sản xuất và giữ được đà tăng doanh thu, lợi nhuận.
Chẳng hạn, nhu cầu tiêu dùng sắt thép tại nhiều thị trường lớn từ đầu năm đến nay tăng, đã tiếp sức cho ngành này đẩy mạnh xuất khẩu. 9 tháng qua, xuất khẩu sắt thép đã mang về 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước (tăng 39,3% về lượng).
Hay nhu cầu làm việc tại nhà ở nhiều nước gia tăng cũng thúc đẩy xuất khẩu máy tính, thiết bị điện tử, điện thoại. 9 tháng qua, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1%.
“Xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử tăng trưởng tốt trong 9 tháng qua và dự kiến đạt mốc 50 tỷ USD trong năm nay”, Bộ Công thương dự báo.
Trong khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Dù chịu nhiều thiệt hại do giãn cách, nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt 20,1 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020.
“Nhiều mặt hàng tăng cả về sản lượng lẫn giá xuất khẩu, giúp tổng giá trị xuất khẩu tăng 2 con số. Chẳng hạn, xuất khẩu sắn tăng tới 67,6% về trị giá và tăng 50,2% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su dù chỉ tăng 17,1% về lượng, nhưng tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu”, Cục  Xuất nhập khẩu cho biết.

Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, dù TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã bắt đầu nới giãn cách, mở cửa trở lại, song doanh nghiệp vẫn lo ngại bị ảnh hưởng tới sản xuất, bởi giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.
Do đó, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc…

4 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan