Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư

Cử tri chỉ còn biết trút sự tức giận lên hệ thống chính trị, chiến tranh thương mại, người nhập cư hay bất cứ thứ gì có thể đổ lỗi mà không biết rằng chính ông chủ mới đang là người khiến họ nghèo đi.

Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mới đây, báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng đáng kinh ngạc tại nền kinh tế số 1 thế giới này. Trong tổng số 114 nghìn tỷ USD tài sản mà người Mỹ nắm giữ năm 2018, khoảng 10% số người giàu nhất lại sở hữu 70% tổng tài sản, cao hơn mức 61% của năm 1989. Số 50% những người nghèo ở tầng đáy xã hội Mỹ lại hầu như chẳng có đồng nào ngoài nợ nần.

Đây là 1 con số đáng báo động khi năm 1989, 50% người nghèo nhất Mỹ vẫn có 4% tổng tài sản và tỷ lệ này vẫn là 1% năm 2018.

Điều đáng sợ hơn là hiện chưa có 1 mô hình kinh tế hay lý thuyết nào có thể giải thích được tốc độ tăng trưởng chênh lệch giàu nghèo đáng báo động này tại Mỹ suốt 30 năm qua, qua đó khó lòng đưa ra được những biện pháp đối phó.

Trên thực tế, tạp chí Forbes cho rằng chính nhu cầu gia tăng lợi nhuận cho cổ đông của các công ty là nguyên nhân chính khiến thu nhập giữa 2 tầng lớp ngày càng kéo xa.

Quan điểm này đã có từ thập niên 1980-1990 với những học giả nổi tiếng như Milton Friedman hay Michael Jensen. Chính điều này đã khiến chính phủ Mỹ buộc các công ty phải chia lẻ lợi nhuận, đầu tư cho công nghệ và tái kinh doanh thay vì chỉ trả cổ tức.

Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư - Ảnh 1.

Milton Friedman

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có những biện pháp ứng phó chẳng kém với việc mua lại cổ phiếu, nghĩa là công ty trả tiền cho các cổ đông để mua lại cổ phiếu với giá cao hơn thị trường chứng khoán, đồng thời giảm số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Đây chẳng khác gì 1 dạng biến tướng trả cổ tức lách thuế và được vô số doanh nghiệp thực hiện khi bộ luật cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thông qua năm 2018.

Cổ đông trên hết

Nhà kinh tế học Milton Friedman đoạt giải thưởng Nobel năm 1976 đã từng có những bài phân tích về mục tiêu tối thượng của các doanh nghiệp là làm giàu cho cổ đông. Bất kỳ nhà lãnh đạo nào đi ngược lại ý chí này trong những thập niên qua đều có kết cục chẳng mấy tốt đẹp.

Tất nhiên là thời kỳ đó, chẳng mấy học giả đồng ý với quan điểm này, phải chờ đến khi Friedman đoạt giải Nobel thì ý tưởng này của ông mới được coi trọng. Đến thời điểm hiện nay, công ty tồn tại vì cổ đông đã trở thành 1 hệ tư tưởng, tác động đến toàn bộ hoạt động gây quỹ, đầu tư, quản lý, pháp chế, các nhà làm luật…

Dẫu vậy, dù quan điểm này được thừa nhận rộng rãi nhưng chúng lại đang có những hệ quả đi kèm không mong muốn.

Năm 2017, học giả Joseph Bower và Lynn S Paine đã đăng bài viết trên Harvard Business Review (HBR), nhận định rằng quan điểm công ty tồn tại xoay quanh lợi ích của cổ đông chỉ làm doanh nghiệp trở nên yếu đi và phá hoại toàn bộ nền kinh tế.

Việc quá chú trọng lợi ích cổ đông khiến các giám đốc chịu áp lực ngày càng lớn về mặt doanh thu, lợi nhuận, qua đó từ bỏ những khoản đầu tư mạo hiểm cho tương lai.

Thay vì tạo dựng nên những giá trị mới, thu hút thêm khách hàng mới nhờ cải tiến công nghệ và sáng tạo, những nhà quản lý giờ đây chỉ chăm chăm kiếm lợi nhuận về cho cổ đông. Hệ quả là hàng loạt những tờ báo học thuật lên tiếng cảnh báo, tờ Economist gọi việc mua lại cổ phiếu ồ ạt ở Wall Street là “cơn nghiện cocain của doanh nghiệp” trong khi hãng tin Reuters nhận định động thái này chẳng khác gì việc “tự ăn thịt mình” của các công ty. Financial Times thì gọi đó là “cuộc chiến giữa các lợi ích” còn HBR thì nói thẳng đó là sự thao túng giá cổ phiếu trắng trợn.

Hàng loạt các nhà quản lý nổi tiếng cũng phản đối xu thế đặt cổ đông lên trên hết. Nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba nói khách hàng mới là số 1, rồi đến nhân viên và cuối cùng mới đến cổ đông. Cựu CEO Paul Polman của Unilever thì coi việc tôn thờ lợi ích của cổ đông là “tà giáo”. Chủ tịch Marc Benioff của Salesforce coi việc mua lại cổ phiếu là hành vi sai trái còn CEO Xavier Huillard của Vinci Group gọi đó là ngu ngốc.

Ngày nay, những bằng chứng quá rõ ràng cho thấy việc quản lý thiên về lợi ích cổ đông khiến doanh nghiệp không bắt kịp được sự thay đổi xu thế thị trường. Thiếu đầu tư công nghệ, sáng tạo hay tái chi tiền cho sản xuất kinh doanh khiến nhiều tập đoàn huyền thoại bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Những ví dụ điển hình trong ngành sản xuất máy tính cá nhân, điện thoại, máy ảnh hay thị trường chứng khoán cho thấy rất nhiều tập đoàn lớn sụp đổ không phải vì họ mắc sai lầm gì mà là làm quá “tốt” trách nhiệm với cổ đông.

Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thậm chí, việc theo đuổi mù quáng lợi ích của cổ đông cũng chẳng giúp ích gì cho nền kinh tế hay xã hội. Tham lam đem đến động lực và của cải, nhưng tham lam mù quáng thì chỉ dẫn đến xung đột lợi ích và khủng hoảng.

Tham lam: Cội nguồn của sự bất bình đẳng

Những năm gần đây, hàng loạt tập đoàn nổi tiếng trên thế giới bị kiện cáo vì trốn thuế, gian lận. Sự tham lam vô độ của các cổ đông đã khiến người dân nhiều nước bất bình, gây nên những cuộc hỗn loạn địa chính trị ở Phương Tây và buộc chính phủ phải có chế tài với các doanh nghiệp khi gián tiếp khiến bất bình đẳng thu nhập tăng cao.

Quay ngược dòng thời gian, từ đầu thập niên 1980, rất nhiều công ty đã hướng đến việc tối đa hóa lợi ích cổ đông mà chẳng quan tâm đến nhân viên. Các CEO chỉ chăm chăm nhìn vào giá cổ phiếu mà không cần biết công ty có sáng tạo ra cái mới không, có tạo động lực cho nhân viên làm việc hay không.

Trớ trêu thay, hành động hứa hẹn bừa bãi với cổ đông về việc gia tăng giá trị cho họ và bỏ bê những thứ khác này lại hủy hoại chính khả năng gia tăng giá trị thặng dư mới của doanh nghiệp. Hệ quả là nhiều công ty lớn chỉ đơn giản chia sẻ lợi nhuận của công ty, hưởng lợi từ những hào quang đã có mà quên đi làm cách nào mà họ đạt được vinh quang này.

Các nhà quản lý cũng lười sáng tạo hơn, họ chỉ đơn giản khiến đế chế kinh doanh vận hàng bình thường, mở rộng thêm ra các thị trường mà chẳng có sự đột phá nào. Những doanh nghiệp soán ngôi các tập đoàn lớn cũng dần mất đi tính sáng tạo khi ngày càng có nhiều tiền. Họ chẳng biết tiêu thế nào ngoài mở thêm chi nhánh mới và tăng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu cho cổ đông.

Với việc giảm số cổ phiếu lưu hành trên thị trường, giá cổ phiếu sẽ tăng và đương nhiên cổ đông sẽ nhận 3 lần lợi ích, nhận cổ tức, nhận tiền mua lại cổ phiếu và giá trị cổ phiếu năm giữ tăng.

Việc nhắm đến lợi ích ngắn hạn của cổ đông này là sai trái bởi chúng chẳng tạo ra giá trị gì mới trong dài hạn cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư - Ảnh 3.

Trên thực tế, từ lâu Mỹ đã cấm hành động mua lại cổ phiếu khiến giả của chúng thay đổi lớn, nhưng đến năm 1982, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan đã bỏ điều khoản này bằng 1 bộ luật lằng nhằng hơn.

Như được cởi tấm lòng, hàng loạt công ty Mỹ bắt đầu lách luật để tăng lợi ích cho các cổ đông. Giáo sư Bill Lazonick cho biết trong khoảng 2006-2015, khoảng 459 công ty của S&P 500 đã niếm yết trên 10 năm tiêu tốn đến 3,9 nghìn tỷ USD cho mua lại cổ phiếu, tương đương 54% tổng thu nhập của họ. Đó là chưa kể đến 37% tổng thu nhập được dành cho trả cổ tức và 10% lợi nhuận được giữ ở nước ngoài để trốn thuế.

Tổng số tiền dùng cho mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp tại Mỹ, Canada và Châu Âu trong giai đoạn 2004-2013 lên đến 6,9 nghìn tỷ USD, riêng các công ty của Mỹ chiếm 5 nghìn tỷ USD.

Thông thường, Cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ phải vào cuộc điều tra nhưng điều khoản luật lằng nhằng lại khiến họ bất lực trong việc thi hành.

Hệ quả là các doanh nghiệp giàu có Mỹ không còn khiến xã hội đi lên. Nước Mỹ giàu có là vậy nhưng bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn, cử tri ngày càng phẫn nộ.

Trước thập niên 1980, lương công nhân tăng cùng với sự đi lên của năng suất. Tuy vậy kể từ đó đến nay, tốc độ tăng lương lại giảm dù năng suất vẫn đi lên, dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình trung lưu mắc kẹt trong chi tiêu suốt nhiều thập niên. Họ chẳng nghèo nhưng cũng chẳng dư dả, trong khi giới nhà giàu và doanh nghiệp thì ngày một giàu có.

Ngày nay, từ trường học cho đến chính phủ, từ doanh nhân cho đến người dân thường đều nhìn nhận duy trì lợi ích cổ đông là điều bình thường mà không ai nhận ra những mối hiểm họa quá lớn đằng sau nó. Cử tri chỉ còn biết trút sự tức giận lên hệ thống chính trị, chiến tranh thương mại, người nhập cư hay bất cứ thứ gì có thể đổ lỗi mà không biết rằng chính ông chủ mới đang là người khiến họ nghèo đi.

Cơn đại dịch 100 nghìn tỷ USD tại Mỹ và nguồn cơn của mọi sự bất bình, từ chiến tranh thương mại đến chống người nhập cư - Ảnh 4.

 

12 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Bài Viết Liên Quan